Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hỗ trợ doanh nghiệp vượt bẫy suy giảm

Hương Ly| 06/10/2012 07:21

(HNM) - Kết quả khảo sát, lấy ý kiến đánh giá về chính sách thuế, hải quan tại gần 1.500 doanh nghiệp (DN) do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện mới đây cho thấy, hoạt động của ngành thuế và hải quan đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Tuy nhiên, tình trạng các luật thuế liên tục sửa đổi với nhiều điều khoản hướng dẫn thiếu chi tiết, việc thực hiện thủ tục hải quan điện tử xảy ra tình trạng nghẽn mạng, xử lý phản hồi thông tin chậm… vẫn còn tồn tại khiến DN gặp không ít khó khăn. Cải cách chính sách thuế, hải quan, qua đó giúp các DN thuận lợi hơn nữa trong hoạt động sản xuất kinh doanh là đòi hỏi thực tiễn để giúp DN vượt qua giai đoạn kinh tế khó khăn hiện nay.

Giao dịch tại Chi cục Thuế quận Hai Bà Trưng. Ảnh: Như Ý

Sửa luật liên tục, doanh nghiệp gặp khó

Theo nhận xét của cộng đồng DN qua các buổi đối thoại về chính sách thuế - hải quan tại địa phương, thời gian qua thủ tục hành chính tại hai lĩnh vực này đã có nhiều chuyển biến tích cực. Thái độ và phương pháp giải quyết vướng mắc của DN đã được ngành thuế - hải quan thực hiện chuyên nghiệp và mang tính hỗ trợ, hợp tác hơn. Là cơ quan đầu mối khảo sát, lấy ý kiến đánh giá của cộng đồng DN về chính sách thuế - hải quan, VCCI đã thu thập được nhiều ý kiến phản hồi của DN đóng góp vào công cuộc cải cách thủ tục hành chính về thuế - hải quan cũng như các chính sách miễn, giãn, giảm thuế cho DN. Kết quả khảo sát thông tin tại gần 1.500 DN cho thấy, cộng đồng DN đánh giá hoạt động của ngành thuế và hải quan đã có nhiều chuyển biến tích cực. Nếu như trước đây, có nhiều ý kiến của DN về tình trạng gây phiền hà của đội ngũ công chức thuế và hải quan thì hiện nay tình trạng này đã được hạn chế. Tuy nhiên, khi nhận xét về hệ thống chính sách thuế hiện hành, một số DN cho rằng, hiện vẫn tồn tại nhiều luật thuế ban hành chồng chéo. Tình trạng luật cũ DN chưa kịp hiểu hết, luật mới đã ban hành kèm theo hệ thống văn bản hướng dẫn quy định về thuế liên tục thay đổi đã khiến DN không kịp cập nhật. Một số DN cũng phản ánh, nhiều thông tư hướng dẫn về thuế chưa rõ ràng khiến DN mất nhiều thời gian để nghiên cứu, tìm hiểu. Về thủ tục hải quan, DN cũng nhận xét thủ tục còn rườm rà, chưa thống nhất. Việc thực hiện thủ tục hải quan điện tử (TTHQĐT) vẫn còn xảy ra tình trạng nghẽn mạng, xử lý phản hồi thông tin chậm…

Tại hội nghị đối thoại về chính sách thuế - hải quan với các DN khu vực phía Bắc diễn ra mới đây tại Hà Nội, đại diện DN thuộc nhiều lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh đã góp ý với lãnh đạo Bộ Tài chính về những vướng mắc trong quá trình thực hiện chính sách thuế - hải quan. Các DN đã nêu nhiều câu hỏi cụ thể về việc áp dụng chính sách thuế đối với DN hoạt động trong khu chế xuất, phương pháp tính tiền thuê đất, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, thuế môi trường... Một số DN kiến nghị Bộ Tài chính giảm thuế xuất khẩu với nhóm hàng khoáng sản và bổ sung biểu thuế đối với một số hàng hóa đặc thù trong lĩnh vực nông nghiệp nhằm giải quyết tận gốc những vướng mắc cho DN khi thực hiện các chính sách thuế - hải quan.

Nhiều giải pháp giúp doanh nghiệp vượt khó

Ghi nhận những ý kiến góp ý, đại diện Bộ Tài chính đã trực tiếp trả lời một số vướng mắc của DN. Với những vấn đề mang tính hướng dẫn chuyên sâu, hoặc cần tham gia ý kiến của các bộ, ngành liên quan, Bộ Tài chính sẽ trả lời, hướng dẫn bằng văn bản và cam kết sẽ nghiêm túc giải đáp tận cùng những vướng mắc này. Ngành thuế - hải quan cũng đang tích cực triển khai những chính sách thiết thực nhằm hỗ trợ cộng đồng DN vượt qua giai đoạn kinh tế suy giảm hiện nay.

Đại diện Tổng cục Thuế cho biết, mặc dù nhiều ý kiến cho rằng so với nhu cầu vốn thực tế của DN, số thuế được Chính phủ giãn giảm theo quy định tại Nghị quyết 13/NQ-CP còn khiêm tốn, song khác với chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa, trong đó có nhóm giải pháp thuế sẽ có tác động chậm hơn. Đơn cử, một DN vừa sản xuất mặt hàng tiêu dùng có lợi nhuận trước thuế khoảng 6 tỷ đồng. Với thuế suất thu nhập DN 25% hiện hành, DN phải nộp 1,5 tỷ đồng tiền thuế. Nhưng theo Nghị quyết 13, DN sẽ được giãn nộp 450 triệu tiền thuế, chuyển thành vốn kinh doanh có lãi suất bằng 0% tại kỳ nộp thuế tiếp theo. Như vậy, nếu tính cả những tác động trong các vòng sau thì hiệu quả của nhóm giải pháp về thuế đối với nền kinh tế có thể lớn hơn số thuế thực tế được giãn, giảm thông qua hệ số nhân trong nền kinh tế.

Theo Tổng cục Hải quan, sau thời gian thí điểm, ngành hải quan đã triển khai TTHQĐT tại 21/34 cục hải quan tỉnh, TP, thu hút hơn 50.000 DN đăng ký tham gia. Từ nay đến hết năm 2012, Tổng cục Hải quan sẽ mở rộng TTHQĐT tới các tỉnh, TP còn lại. TTHQĐT trong giai đoạn mới sẽ hướng tới những mục tiêu: tạo thuận lợi hơn nữa cho hoạt động thương mại, giảm thời gian và chi phí cho DN, nâng cao năng lực quản lý của cơ quan hải quan, tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại, bảo đảm nguồn thu cho ngân sách nhà nước… Đặc biệt, TTHQĐT sẽ giảm sự tham gia trực tiếp của cán bộ hải quan vào các quy trình thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu, nâng cao an ninh, an toàn dữ liệu khai hải quan và chống truy cập trái phép. Để đạt được những mục tiêu trên, ngành hải quan sẽ nâng cấp hệ thống thông quan điện tử, hệ thống quản lý rủi ro, mở rộng ứng dụng chữ ký số, mở rộng thu thuế, lệ phí bằng phương thức điện tử và nâng cấp hạ tầng mạng, trang thiết bị… qua đó góp phần xây dựng môi trường kinh doanh, đầu tư thuận lợi và nâng cao chất lượng phục vụ của ngành hải quan xứng tầm với các quốc gia trong khu vực.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hỗ trợ doanh nghiệp vượt bẫy suy giảm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.