(HNMCT) - Tối chủ nhật 8-11, khi V.League 2020 khép lại với chức vô địch thuộc về Câu lạc bộ (CLB) Viettel sau khi CLB này giành chiến thắng với tỷ số 1-0 trước CLB Sài Gòn, không chỉ có cầu thủ Viettel hay cổ động viên của CLB vui sướng. Người hâm mộ bóng đá Thủ đô cảm thấy ngất ngây, nhất là những người sinh ra từ những năm 1950, 1960, đơn giản bởi trong chiến thắng của Viettel người ta nhìn thấy bóng dáng của một thương hiệu lớn của bóng đá Việt Nam trong nửa cuối thế kỷ XX - đội bóng đá Thể Công.
Trong lịch sử bóng đá Việt Nam, Thể Công là một tên tuổi đặc biệt. Cầu thủ của đội mặc áo lính, thuộc bên Quân đội nhưng đại đa số người hâm mộ bóng đá Thủ đô coi Thể Công là đội bóng "của mình”. Đến CLB bóng đá Công an Hà Nội cũng không có được vị thế đó dù cả Thể Công và Công an Hà Nội đều “đóng chân” trên đất Thủ đô, cùng có nhiều cầu thủ giỏi là người Hà Nội và cả hai là đối trọng trong cuộc đua đến chức vô địch trong suốt nhiều mùa giải.
Lịch sử Thể Công ghi nhận thành tựu chói lọi của CLB, tôn vinh những ngôi sao sáng như Nguyễn Thế Anh (Ba Đẻn), Nguyễn Cao Cường, Phan Văn Mỵ, Trần Văn Khánh, Nguyễn Trọng Giáp, Quản Trọng Hùng, Nguyễn Hồng Sơn... Nhưng những trang sử của đội bóng cũng ghi nhận khoảng thời gian Thể Công bắt đầu lâm vào khủng hoảng kể từ những năm 1980, trước khi tên gọi Thể Công không còn xuất hiện trên bản đồ bóng đá Việt Nam. Tuy nhiên, sự thiếu vắng đó không khiến người hâm mộ quên thương hiệu Thể Công, và tình cảm vẫn được nuôi dưỡng, chực chờ giây phút bùng nổ trở lại.
Viettel được coi là đội bóng quân đội dù cầu thủ tới từ mọi nơi, đa số không thể gọi là “chiến sĩ”. Vậy mà chỉ một thoáng bóng dáng “chất lính” qua tên gọi CLB và cơ quan chủ quản, qua người huấn luyện viên trẻ tuổi Trương Việt Hoàng “chính gốc” cầu thủ Thể Công những năm 1990 mà bao người hâm mộ bóng đá đã phải thổn thức dõi theo. Nói không quá, nhiều người trong số họ chứng kiến Viettel lần đầu tiên giành chức vô địch V.League mà như nhìn thấy Thể Công giành chiến thắng năm nào.
Tối chủ nhật vừa qua, từ niềm vui của các cổ động viên CLB Viettel và những lời chia sẻ trên mạng xã hội, thấy rõ thương hiệu Thể Công vẫn đang hiện hữu dù đội bóng không còn. Mãi mãi Thể Công!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.