(HNMO) - Những ngày áp Tết Nguyên đán Canh Tý cũng là thời điểm nông dân xã Cổ Loa (huyện Đông Anh) tất bật xuống đồng thu hoạch khoai tây. Vốn có truyền thống trồng khoai tây vụ đông, những năm gần đây, nông dân Cổ Loa chuyển sang trồng khoai tây hữu cơ. Nhờ thành công từ phương pháp canh tác mới, đời sống nông dân Cổ Loa ngày càng đủ đầy hơn.
Xuống đồng từ sớm để thu hoạch khoai tây, ông Nguyễn Khả Đuống ở thôn Chùa (xã Cổ Loa) phấn khởi chia sẻ: "Vụ đông năm nay, gia đình tôi trồng hơn 3.000m2 khoai tây hữu cơ, dự kiến thu được hơn 4,5 tấn khoai, với giá bán 18-20 nghìn đồng/kg, gia đình thu khoảng 20 triệu đồng. Từ thời điểm trồng đến thu hoạch khoảng 3 tháng, những ngày cận Tết Nguyên đán này, chúng tôi có thêm nguồn thu".
Kế ruộng ông Đuống, ông Trương Văn Sơn ở thôn Nhồi Dưới cho biết: "Phát huy thế mạnh từ khoai tây, nông dân Cổ Loa đã chuyển sang trồng theo phương thức hữu cơ nên giá trị thu được từ khoai tây cao hơn… Với 3.000m2 khoai tây vụ này, năng suất đạt gần 5 tấn, gia đình tôi dự kiến thu hàng chục triệu đồng”.
Thực tế, không riêng xã Cổ Loa, đối với rất nhiều địa phương, vụ đông đã trở thành vụ sản xuất chính, đóng góp rất lớn vào sự tăng trưởng nông nghiệp và nâng cao đời sống cho nông dân. Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ - Nông nghiệp - Kinh doanh tổng hợp Cổ Loa Nguyễn Quang Minh cho hay, nông dân Cổ Loa có truyền thống trồng khoai tây từ hàng chục năm nay. Tuy nhiên, 3 năm trở lại đây, bà con chuyển sang trồng theo phương pháp hữu cơ. So với phương pháp canh tác cũ, chi phí tuy cao hơn 20-30%, quy trình sản xuất nghiêm ngặt hơn nhưng chất lượng khoai rất tốt. Hiện, toàn xã có khoảng 30ha khoai tây vụ đông, trong đó có 5,6ha trồng theo phương thức hữu cơ. Đến nay, sản phẩm khoai tây hữu cơ của Cổ Loa đã được cấp tem, nhãn, mã QR truy xuất nguồn gốc và được tiêu thụ tại nhiều nhà hàng, bếp ăn tập thể…
“So với lúa và rau màu, trồng khoai tây cho hiệu quả cao gấp 3-4 lần, đạt 250-300 triệu đồng/ha, thời gian trồng cho đến khi thu hoạch ngắn, rất phù hợp với vụ đông. Mặt khác, trồng cây khoai tây vụ đông còn tăng độ xốp, độ màu mỡ của đất, cải tạo thành phần hữu cơ và tầng canh tác của đất. Đây còn là giải pháp hữu hiệu luân canh giữa cây trồng nước và cạn nhằm hạn chế nguồn lây lan một số sâu bệnh. Không chỉ góp phần tăng thu nhập cho nông dân, mô hình này còn giúp nông dân thực hành quy trình sản xuất rau, củ, quả an toàn, biết cách sử dụng các chế phẩm sinh học, thay đổi tập quán canh tác”, ông Nguyễn Quang Minh thông tin.
Mặc dù cho hiệu quả cao, song nông dân trồng khoai tây vụ đông ở Cổ Loa vẫn băn khoăn bởi đầu ra còn chưa ổn định. Theo ông Trương Văn Sơn ở thôn Nhồi Dưới, đến nay, chỉ một phần sản phẩm được UBND xã Cổ Loa, hợp tác xã hỗ trợ tiêu thụ; lượng lớn còn lại, nông dân phải tự bán tại các chợ dân sinh hoặc thông qua thương lái.
Về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND xã Cổ Loa Nguyễn Kim Nhật cho hay, để hỗ trợ người dân chuyển dần diện tích khoai tây vụ đông sang trồng theo phương pháp hữu cơ, UBND xã hỗ trợ các hộ 50% giống khoai và phân bón hữu cơ, 100% tem nhãn truy xuất nguồn gốc sản phẩm… Tuy nhiên, đây là những hỗ trợ mang tính tạm thời, về lâu dài, để duy trì, nhân rộng mô hình trồng khoai tây hữu cơ, rất cần sự vào cuộc, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm này. "Nông dân Cổ Loa rất mong sự tham gia của các doanh nghiệp trong sản xuất khoai tây theo chuỗi khép kín", ông Nguyễn Kim Nhật nhấn mạnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.