Sáng 15-9, UBND huyện Phúc Thọ triển khai kế hoạch phục hồi phát triển kinh tế - xã hội sau bão số 3 và phương án sản xuất vụ đông. Tại hội nghị, các ý kiến đều nêu bật vấn đề phải coi vụ đông là vụ sản xuất đặc biệt.
Vụ đông 2024 khác hoàn toàn so với các năm trước bởi phải gánh vác 2 trọng trách: Vừa khắc phục hậu quả bão lũ, bù đắp sản xuất của cả năm cho nông dân, vừa cung ứng lương thực, thực phẩm cho thị trường Thủ đô các tháng cuối năm.
Khẩn trương ổn định đời sống người dân
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ Lê Văn Thu, do ảnh hưởng bão số 3, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn bị thiệt hại khá lớn. Qua thống kê cho thấy, tổng diện tịch lúa bị đổ, ngập của huyện là 1.029,5ha, trong đó ngập sâu 145ha. Đối với cây rau màu, diện tích bị ngập và dập nát 295ha; cây ăn quả ngập nước, ảnh hưởng đến năng suất là 442ha, trong đó ngập sâu 154,5ha...
Các xã, thị trấn đã huy động 1.546 người tổ chức thường trực, huy động lực lượng để xử lý sự cố, dọn dẹp vệ sinh môi trường; khắc phục tạm thời 100% công trình bị hư hỏng, tốc mái; di dời và dựng lại cột điện gãy đổ, cung cấp điện cho sinh hoạt và sản xuất của người dân.
Đến thời điểm này, huyện tiếp tục tiêu úng, dựng buộc 246ha lúa đang ngập lưng cây; tiêu úng, thu hoạch diện tích rau màu dập nát, vệ sinh đồng ruộng; tổ chức khơi thông dòng chảy rãnh thoát nước, hệ thống kênh mương thủy lợi nội đồng kết hợp bơm hỗ trợ tiêu úng, vận hành liên tục 5 trạm bơm với 20 tổ máy.
Chủ tịch UBND xã Tích Giang Nguyễn Đức Chung cho biết, là xã ven sông Tích, những ngày qua, nước sông lên cao trên mức báo động 3 khiến nhiều diện tích canh tác bị ngập sâu. Hiện 80ha sản xuất ngoài đê tả Tích thời điểm này coi như mất trắng. Ngoài ra, nhiều nhà màng, nhà lưới, nhà vòm… trồng hoa của người dân bị đổ do bão, gây thiệt hại rất lớn.
Chủ tịch UBND xã Vân Hà Bùi Văn Khóa cho biết, những ngày qua, nước sông Hồng dâng cao, là xã nằm hoàn toàn ngoài sông nên bị ảnh hưởng bởi lũ. Hiện, nước rút gặp ngay thời tiết nắng nóng khiến bưởi rụng rất nhiều, ước 60ha bưởi bị hư hỏng.
Để khắc phục thiên tai, phục hồi sản xuất, cơ quan chức năng của Phúc Thọ hướng dẫn các hộ dân trồng cây ăn quả, bơm thoát nước; thu hoạch nhanh diện tích cây ăn quả đã chín hoặc sắp chín, hạn chế tối đa thiệt hại; chỉ đạo nông dân thu hoạch lúa; khẩn trương dựng, buộc diện tích lúa bị đổ; kiểm tra, dự tính, dự báo, phòng trừ sâu bệnh hại...
Bên cạnh đó, huyện hướng dẫn nông dân vệ sinh đồng ruộng, triển khai sản xuất rau vụ đông sớm, ưu tiên rau ngắn ngày; tiến hành tổng vệ sinh tiêu độc, khử trùng môi trường, chuồng trại sau mưa bão; tập trung chăm sóc, bảo vệ, tái đàn; tiến hành bơm rút nước khỏi ao, sử dụng vôi bột hoặc chế phẩm sinh học xử lý môi trường ao nuôi thủy sản; rà soát, bổ sung kế hoạch cây trồng vụ đông, phấn đấu tăng diện tích; tăng thêm diện tích rau màu ngắn ngày 200-300ha, tổ chức sản xuất vụ đông sớm ngay khi nước rút...
Gặt đến đâu trồng cây vụ đông đến đó
Tại hội nghị, nhấn mạnh tầm quan trọng của vụ đông, Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ Nguyễn Đình Sơn yêu cầu toàn bộ 21 xã, thị trấn trên địa bàn chỉ đạo sản xuất hết diện tích vụ đông. “Huyện đề nghị không ai đứng ngoài cuộc trong sản xuất vụ đông. Các xã cần lựa chọn mô hình phù hợp địa bàn như: Ngô, khoai tây, bí xanh, đậu tương... Huyện đang nghiên cứu và sẽ có cơ chế hỗ trợ cụ thể”, ông Nguyễn Đình Sơn cho biết.
Qua kiểm tra thực tế, nắm bắt tình hình tại các vùng sản xuất, Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ Nguyễn Đình Sơn cũng gợi mở xã Vân Hà là địa phương có diện tích trồng bưởi rất lớn, đề nghị địa phương cùng nhân dân tính toán giống chủ đạo, cho hiệu quả kinh tế cao để trồng thay thế ngay diện tích cây bị hỏng sau mưa ngập; khôi phục sản xuất chuối Vân Nam để bảo vệ nhãn hiệu gắn với phát triển kinh tế...
Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ Nguyễn Đình Sơn kêu gọi toàn dân tham gia nạo vét kênh mương để phục vụ sản xuất vụ đông tốt nhất.
Bí thư Huyện ủy Phúc Thọ Nguyễn Doãn Hoàn đề nghị các xã, thị trấn tổ chức hội nghị rút kinh nghiệm về công tác "4 tại chỗ" trong phòng, chống lụt bão. Đối với sản xuất nông nghiệp, phải tạo điều kiện khắc phục diện tích cây ăn quả, hoa cây cảnh đã có thương hiệu; tăng cường hỗ trợ người dân về khoa học kỹ thuật nhằm đạt hiệu quả cao nhất trong canh tác...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.