(HNM) - Thời gian qua, ngành Nông nghiệp Hà Nội đã triển khai các mô hình khuyến nông hỗ trợ nông dân phù hợp với điều kiện sản xuất tại cơ sở; giúp nông dân tiếp thu ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ cao, đưa cơ giới hóa vào sản xuất. Qua đó, nông dân có điều kiện mở rộng và phát triển chăn nuôi, trồng trọt, tạo hiệu quả cao trong sản xuất nông nghiệp...
Năm 2017, Trung tâm Khuyến nông (Sở NN& PTNT) đã triển khai 22 mô hình khuyến nông vào thực tiễn, gồm: Trồng trọt, cơ giới hóa, chăn nuôi, thủy sản đạt hiệu quả cao. Điển hình như mô hình khoai tây vụ đông gắn với tiêu thụ sản phẩm được áp dụng trên diện tích 100ha tại địa bàn 10 huyện: Sóc Sơn, Thường Tín, Mỹ Đức, Ứng Hòa, Phúc Thọ, Chương Mỹ, Thanh Oai, Đan Phượng, Quốc Oai, Hoài Đức. Hầu hết diện tích khoai tây trong mô hình sinh trưởng phát triển tốt, năng suất đạt gần 20 tấn/ha.
Ngoài ra, một mô hình hiệu quả nữa là cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp như sử dụng máy gặt đập liên hợp triển khai trên địa bàn 7 huyện với quy mô 11 máy. Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Vũ Thị Hương cho biết: Thông qua kết quả triển khai mô hình cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp có sự hỗ trợ nông dân vay vốn mua máy, mô hình đã được nhân rộng và có thêm 35 máy gặt đập liên hợp được mua từ nguồn vốn vay Quỹ Khuyến nông.
Tại địa bàn huyện Đông Anh, năm 2017, có 18 hộ gia đình, cá nhân và 2 tập thể mua 9 máy gặt đập liên hợp, 9 máy kéo (máy cày 4 bánh) và 6.000 khay mạ. Đã có 1.224 hộ nông dân tham gia ứng dụng mô hình gieo mạ khay, cấy máy với tổng diện tích gieo cấy 172ha. Theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Đông Anh Nguyễn Văn Thiềng, việc hỗ trợ nông dân trong cơ giới hóa một số khâu sản xuất nông nghiệp ở Đông Anh cho thấy, chi phí gieo mạ khay, cấy bằng máy thấp hơn phương pháp truyền thống khoảng 2,7 triệu đồng/ha, giúp nông dân giảm 464,4 triệu đồng chi phí sản xuất vụ mùa trên diện tích 172ha.
Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Đông Anh Lê Quang Đức cho biết: Nhờ sự lan tỏa, nhiều hộ nông dân đã thấy rõ hiệu quả từ việc được hỗ trợ vốn mua máy móc, giống... phục vụ sản xuất nông nghiệp, nên đến tháng 6-2018, đã có thêm 3 hộ làm đơn đề nghị, hoàn thiện hồ sơ và được Quỹ Khuyến nông hỗ trợ 1,5 tỷ đồng mua máy gặt lúa và gà giống.
Anh Nguyễn Hữu Nam (xã Xuân Nộn, huyện Đông Anh) - một trong số những hộ dân được vay vốn đầu tháng 6-2018 để mua máy gặt đập liên hợp cho biết, giá gặt lúa bằng máy dao động từ 130.000 đến 180.000 đồng/sào, tùy theo khu ruộng cấy lúa là thửa to hay nhỏ. Vào vụ thu hoạch, thu nhập của hộ có máy gặt lúa đạt hàng chục triệu đồng/ngày. Anh Nam dự kiến sau khoảng 4-5 vụ lúa, anh sẽ thu hồi đủ số vốn đầu tư cho máy gặt mới mua...
Ngoài ra, việc hỗ trợ nông dân vay vốn để phát triển chăn nuôi, thủy sản cũng góp phần tích cực trong phát triển kinh tế của nhiều địa phương. Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc HTX Nuôi trồng thủy sản Châu Mai (xã Liên Châu, huyện Thanh Oai) Hoàng Như Dã cho biết: Năm 2016 và 2017, xã viên HTX được vay khoảng 8 tỷ đồng mỗi năm. Mỗi hộ vay từ 250 đến 500 triệu đồng. “Các hộ gia đình được vay vốn đều phát huy hiệu quả sản xuất và trả vốn đúng hạn. Kinh tế phát triển, thu nhập bình quân đạt 38,3 triệu đồng/người/năm. HTX chúng tôi không có xã viên nào thuộc diện hộ nghèo” - ông Dã chia sẻ.
Theo Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Vũ Thị Hương, 6 tháng đầu năm 2018, Quỹ Khuyến nông đã giải ngân, hỗ trợ nông dân 49 phương án vay vốn sản xuất với số tiền 11,47 tỷ đồng, 22 phương án vay vốn thực hiện cơ giới hóa với số tiền gần 8 tỷ đồng. Từ nay đến cuối năm 2018, trạm khuyến nông các quận, huyện, thị xã sẽ tiếp tục khảo sát nhu cầu vay vốn của nông dân ở các vùng sản xuất tập trung, đặc biệt là vay để mua máy, thiết bị... nhằm hỗ trợ nông dân sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả ngày càng cao hơn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.