Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hiệu quả từ công tác phối hợp

Việt Tuấn| 18/01/2018 07:14

(HNM) - Năm 2017, các ban của HĐND TP Hà Nội tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành của thành phố nhằm làm tốt công tác chuẩn bị cho các kỳ họp; tổ chức hoạt động khảo sát, giám sát và thực hiện kết luận sau giám sát, khảo sát…

Ban Đô thị - HĐND TP Hà Nội khảo sát công tác xử lý nước thải tập trung tại Cụm công nghiệp Tân Triều (huyện Thanh Trì).


Phối hợp chuyên sâu

Căn cứ lĩnh vực phụ trách, 4 ban của HĐND TP Hà Nội (Kinh tế - Ngân sách, Pháp chế, Đô thị, Văn hóa - Xã hội) đã ký quy chế phối hợp với các sở, ngành giai đoạn 2016-2021. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, công tác phối hợp được tăng cường hơn trong hoạt động giám sát, khảo sát, thẩm tra báo cáo, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô hằng năm và 5 năm; thực hiện kết luận, kiến nghị giám sát, đặc biệt là phối hợp xây dựng cơ chế, chính sách thuộc ngành, lĩnh vực theo quy định. Bên cạnh đó, các sở, ngành đã phối hợp thực hiện việc trả lời kiến nghị của cử tri, trả lời chất vấn của đại biểu HĐND thành phố, kết luận của chủ tọa trong các phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp của HĐND thành phố.

Trưởng ban Đô thị HĐND thành phố Nguyễn Nguyên Quân cho biết, phương thức phối hợp là trao đổi, cung cấp thông tin, tham dự các cuộc họp, tập huấn, hội thảo dựa trên nguyên tắc chủ động, hợp tác và bảo đảm phát huy vai trò, trách nhiệm của mỗi cơ quan… Dù trách nhiệm của từng ban đã được quy định rõ trong quy chế với từng lĩnh vực cụ thể, song đối với hoạt động giám sát, khảo sát vẫn rất cần sự phối hợp chuyên sâu… Đơn cử như, ngoài gửi báo cáo trước, các sở, ngành còn có trách nhiệm báo cáo giải trình, làm rõ các vấn đề có liên quan đến hoạt động giám sát, khảo sát do các ban yêu cầu bổ sung.

Với sự phối hợp chuyên sâu, nên từ đầu nhiệm kỳ 2016-2021 đến nay, các ban của HĐND thành phố và các sở, ngành đã thực hiện hơn 40 đợt khảo sát, giám sát ở 4 khối: Đô thị, pháp chế, kinh tế - ngân sách và văn hóa - xã hội. Ngoài ra, các ban và sở, ngành còn làm tốt công tác tham mưu cho HĐND thành phố ban hành các nghị quyết có tính khả thi cao, nhanh chóng đi vào cuộc sống.

Trong đó, Ban Đô thị phối hợp với 4 sở: Xây dựng, Quy hoạch và Kiến trúc, Giao thông - Vận tải, Tài nguyên và Môi trường tham mưu cho HĐND thành phố ban hành các nghị quyết về: Điều chỉnh danh mục biệt thự; kết quả giám sát việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất; tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ…

Ban Văn hóa - Xã hội phối hợp với các sở: Văn hóa - Thể thao; Y tế; Lao động - Thương binh và Xã hội; Giáo dục và Đào tạo; Du lịch; Thông tin và Truyền thông tham mưu cho HĐND thành phố ban hành các nghị quyết về: Quy định giá dịch vụ khám chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của bảo hiểm y tế đối với cơ sở khám, chữa bệnh của Nhà nước thuộc TP Hà Nội; đặt tên và điều chỉnh độ dài một số đường, phố và công trình công cộng trên địa bàn TP Hà Nội...

Ban Kinh tế - Ngân sách phối hợp với các sở: Kế hoạch và Đầu tư; Tài chính; Kho bạc Nhà nước; Cục Thuế thành phố tham mưu cho HĐND thành phố ban hành các nghị quyết về dự toán ngân sách địa phương và phân bổ ngân sách cấp thành phố năm 2018; danh mục, kế hoạch vốn các dự án xây dựng cơ bản tập trung của thành phố; kế hoạch đầu tư công trung hạn và điều chỉnh, bổ sung danh mục công trình trọng điểm giai đoạn 2016-2020...

Thông tin kịp thời hơn

Theo Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND thành phố Trần Thế Cương, dù đã có sự phối hợp chặt chẽ, nhưng một số sở vẫn chưa thường xuyên cung cấp thông tin cho các ban của HĐND thành phố, nhất là việc gửi báo cáo kết quả hoạt động 6 tháng, báo cáo năm; việc tham gia các hội nghị, hội thảo khoa học, tập huấn nghiệp vụ chuyên môn, đi thực tế học tập kinh nghiệm của các sở và các ban còn hạn chế.

Thời gian tới, các ban của HĐND thành phố và các sở, ngành sẽ khắc phục những hạn chế này, định kỳ gửi tài liệu về kế hoạch, báo cáo công tác năm và các báo cáo quan trọng khác. Mặt khác, lãnh đạo các ban của HĐND thành phố và các sở, ngành cũng thống nhất sẽ thúc đẩy các hoạt động phối hợp, theo hướng nhịp nhàng, chủ động hơn. Trong đó, việc trao đổi thông tin cần thường xuyên, bài bản và chặt chẽ, đồng thời chú trọng phối hợp xây dựng chính sách liên quan đến vấn đề đô thị.

Khẳng định sự cần thiết của việc thực hiện quy chế phối hợp giữa các ban của HĐND thành phố với các sở, ngành, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn cho rằng, cần nâng cao hiệu quả phối hợp hơn nữa, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của HĐND thành phố.

Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố mong muốn, các ban của HĐND thành phố và các sở, ngành, ngoài tham mưu cho HĐND thành phố ban hành có hiệu quả các nghị quyết, cần chú trọng phối hợp giám sát theo kế hoạch và các vấn đề dân sinh bức xúc ở cơ sở.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hiệu quả từ công tác phối hợp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.