(HNM) - Trong những năm gần đây, một số mô hình điều trị cai nghiện ma túy thay thế được triển khai trên địa bàn Hà Nội cho thấy tính hiệu quả, được bệnh nhân, gia đình và xã hội đánh giá cao.
Tác dụng từ mô hình điều trị thay thế bằng thuốc Methadone
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, những năm gần đây, hơn 90% số người điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone tự đánh giá chất lượng cuộc sống của họ ở mức tốt hơn sau khoảng thời gian điều trị từ 12 tháng trở lên, trong đó có hơn 70% số người có việc làm, thu nhập. Đặc biệt, mô hình này đã góp phần làm giảm tỷ lệ tội phạm do người nghiện ma túy gây ra, từ 60,8% số người phạm tội trước khi điều trị, xuống còn 3,9% sau 1 tháng điều trị, tiếp tục giảm xuống còn 0,5% sau 6 tháng và 0,2% sau 1 năm điều trị. Để công tác điều trị thay thế bằng thuốc Methadone bảo đảm an toàn, tránh tình trạng sử dụng nhầm, uống nhầm thuốc, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội yêu cầu 18/18 cơ sở điều trị Methadone trên địa bàn thành phố sử dụng phần mềm quản lý, cập nhật thông tin bệnh nhân, cấp phát thuốc có quét mã vạch...
Đối với bệnh nhân, việc điều trị thay thế bằng thuốc Methadone diễn ra khá thuận lợi. Bởi, họ được điều trị ngoại trú, vào một giờ cố định, nên có thể vừa điều trị, vừa đi làm. Kiên trì phối hợp điều trị, cuộc sống của nhiều người bệnh có sự chuyển biến theo hướng tích cực. Điều trị thay thế bằng thuốc Methadone tại Cơ sở cai nghiện ma túy số 5 Hà Nội, phường Xuân Phương (quận Nam Từ Liêm) từ năm 2017 đến nay, bệnh nhân L.X.C, trú tại quận Bắc Từ Liêm chia sẻ: “Từ một người sống, sinh hoạt thiếu khoa học, sức khỏe không tốt, chỉ nặng 46kg, thường xuyên cáu gắt, nay tôi đã sống tốt hơn rất nhiều. Tôi không còn cảm giác thèm, nhớ ma túy, sinh hoạt điều độ, cân nặng tăng lên 60kg”.
Trường hợp khác có cuộc sống đổi thay sau thời gian điều trị thay thế bằng thuốc Methadone tại Cơ sở cai nghiện ma túy số 5 Hà Nội là vợ chồng anh T.A.T và chị P.T.D, phường Kim Liên (quận Đống Đa). Từ những người sống lệ thuộc vào ma túy, khiến người thân đau lòng, cộng đồng xa lánh, hiện vợ chồng anh T. và chị D. đã có việc làm, tích cực chăm sóc gia đình, con cái.
Cũng từ một người sống lệ thuộc vào ma túy, sau thời gian điều trị thay thế bằng thuốc Methadone tại Cơ sở cai nghiện ma túy số 6 Hà Nội (xã Tân Minh, huyện Sóc Sơn), hiện tại, anh T.T.H trú tại xã Tân Hưng (huyện Sóc Sơn) đã trở thành công nhân xây dựng, có thu nhập ổn định...
Những dẫn chứng nêu trên phần nào cho thấy, mô hình điều trị thay thế bằng thuốc Methadone, giúp người sử dụng ma túy tăng cơ hội có việc làm, thu nhập, hòa nhập cộng đồng, cải thiện sức khỏe. Với xã hội, việc hỗ trợ cai nghiện bằng thuốc Methadone, góp phần giảm tình trạng sử dụng trái phép các chất ma túy, giảm tỷ lệ lây nhiễm HIV và các bệnh lây truyền qua đường máu, giảm chi phí điều trị cai nghiện ma túy.
Nhằm nâng cao hiệu quả điều trị cai nghiện bằng thuốc Methadone, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội tiếp tục phối hợp với Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội Hà Nội nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ sở điều trị Methadone; đồng thời, tăng cường tuyên truyền, phổ biến về tác dụng của việc điều trị thay thế bằng thuốc Methadone đến đông đảo người dân trong cộng đồng. Phấn đấu trong năm 2021, các cơ sở điều trị Methadone duy trì điều trị ổn định cho gần 5.000 bệnh nhân, lũy tích số người được điều trị thay thế bằng thuốc Methadone trong năm nay lên 6.500 người.
Lợi ích từ mô hình điều trị bằng phương pháp châm cứu
Cùng với mô hình điều trị thay thế bằng thuốc Methadone, hình thức điều trị cai nghiện thay thế khác đã được áp dụng từ lâu tại Hà Nội là mô hình châm cứu. Việc châm cứu giúp cơ thể người nghiện ma túy tự sản xuất ra lượng morphin nội sinh, làm giảm cơn nghiện cũng như các triệu chứng của người nghiện (ngáp, đau nhức, ảo giác, hoang tưởng…). Mô hình này do cố Thầy thuốc nhân dân Nguyễn Tài Thu nghiên cứu, chính thức áp dụng từ năm 2001 tại Trung tâm Nghiên cứu điều trị cai nghiện ma túy bằng châm cứu, thuộc Bệnh viện Châm cứu trung ương (49 Thái Thịnh, quận Đống Đa).
Thầy thuốc ưu tú, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu điều trị cai nghiện ma túy bằng châm cứu Nguyễn Văn Thủy cho biết, điều trị cai nghiện ma túy bằng châm cứu mang lại kết quả tích cực. Sau quá trình điều trị khoảng 10 ngày, bệnh nhân cơ bản không còn lên cơn thèm ma túy, lấy lại được cảm giác cân bằng, dần ăn ngon, ngủ ngon và tăng cân. Số người điều trị bằng phương pháp đặc biệt này đã ngừng sử dụng ma túy từ 1 năm trở lên đạt tỷ lệ hơn 70%, trong đó không ít người đã tránh xa con đường lầm lỡ, làm lại cuộc đời.
Trong hàng trăm lượt người đã tiến hành điều trị, Thầy thuốc ưu tú Nguyễn Văn Thủy ấn tượng đặc biệt với bệnh nhân T.V.C, đến từ tỉnh Nghệ An. Trước đó, anh T.V.C đã điều trị cai nghiện bằng nhiều phương pháp khác nhau, ở nhiều nơi, nhưng không thành công. Khi tìm đến phương pháp cai nghiện bằng châm cứu, anh T.V.C thấy phù hợp, đã quyết tâm từ bỏ ma túy. Trong suốt thời gian điều trị cai nghiện, anh T.V.C luôn có người yêu là chị N.T.V ở bên chăm sóc. Sự quyết tâm của bản thân và sự quan tâm của người thân là động lực để anh T.V.C thoát khỏi con đường từng lầm lỡ.
Trên thực tế, việc điều trị cai nghiện ma túy bằng châm cứu đòi hỏi người nghiện phải có bản lĩnh, quyết tâm để tự nguyện cai nghiện. Trong thời gian nhập viện, họ cần có người thân ở bên chăm sóc, động viên như bệnh nhân thông thường; phải chi trả 100% kinh phí điều trị. Vì thế, khi lựa chọn hình thức điều trị cai nghiện bằng châm cứu, bệnh nhân và gia đình cần phối hợp với đội ngũ y, bác sĩ để có kết quả tốt nhất.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.