(HNM) - Hà Nội có tổng diện tích mặt nước hơn 30.800ha rất thuận lợi cho nuôi trồng thủy sản. Nhằm phát huy tối đa lợi thế, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội (Sở NN&PTNT) triển khai thực hiện mô hình nuôi cá chép ứng dụng công nghệ
Trưởng phòng Chăn nuôi thủy sản Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Nguyễn Hồng Sơn cho biết: "Sông trong ao" là công nghệ mới, có ưu điểm: Quản lý môi trường tốt, giảm thiểu dịch bệnh trong quá trình nuôi cá và cho năng suất cao. Mô hình này đã được ứng dụng tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Triển khai trên địa bàn Hà Nội, trung tâm đã chọn 5 trường hợp, thực hiện trên quy mô 5ha tại 3 huyện: Quốc Oai, Thường Tín và Phú Xuyên.
Gia đình ông Phan Nhân Lợi ở thôn Đa Phúc, xã Sài Sơn (huyện Quốc Oai) đào “sông” trong ao nuôi cá chép theo công nghệ tiên tiến. |
Ông Nguyễn Bá Trung (thôn Khai Thái, xã Khai Thái, huyện Phú Xuyên) làm trang trại vườn - ao trên diện tích 11ha, trong đó có 5ha ao nuôi thả cá. Tháng 4-2018, ông Trung và những hộ được chọn làm điểm thực hiện mô hình đã được Trung tâm Khuyến nông Hà Nội hỗ trợ 15.000 con cá chép giống (100%) với kích cỡ trung bình từ 10-14cm/con, không có dấu hiệu bệnh lý; 30% lượng thức ăn; 30% lượng chế phẩm sinh học. Thực hiện chăn nuôi cá theo đúng quy trình kỹ thuật, đến tháng 10-2018, gia đình ông Trung thu hoạch cá thương phẩm đợt đầu được hơn 7 tấn; tháng 3-2019, thu hoạch lần 2 được hơn 9 tấn; trừ mọi chi phí, ông Trung thu lãi hàng trăm triệu đồng.
Từ thành công do mô hình mang lại, ông Trung vui mừng cho biết: Nuôi cá chép với mô hình "Sông trong ao" có lợi hơn nuôi truyền thống bởi kiểm soát được lượng oxy trong nước, cá phát triển hoặc yếu, hay mắc bệnh sẽ được phát hiện sớm. Ngoài ra, khi nuôi cá truyền thống, tầng nước mặt bị nóng vào mùa hè và lạnh buốt vào mùa đông khiến cá lặn sâu, giảm ăn, chậm lớn, dễ mắc bệnh, ảnh hưởng đến năng suất. Với mô hình "Sông trong ao", nước thường xuyên lưu chuyển nên mát vào mùa hè và không bị lạnh vào mùa đông, lượng oxy đủ nên cá phát triển đều. Riêng lượng chất thải của cá thu gom hằng ngày (khoảng hơn 1 tạ trở lên), ông Trung tận dụng ủ men vi sinh làm phân bón cho cây trong vườn...
Tương tự, gia đình ông Đỗ Văn Bảo ở thôn Trát Cầu (xã Tiền Phong, huyện Thường Tín) cũng thu hoạch tổng sản lượng khoảng 20 tấn cá thương phẩm. Ông Bảo tiếp tục thả nuôi 8.000 con cá chép, dự kiến đến tháng 6-2019, thu hoạch ít nhất 12 tấn. Theo ông Bảo "cá nuôi theo mô hình "Sông trong ao" thịt ngon, ngọt, săn chắc và sạch; chất lượng dinh dưỡng hơn hẳn cá nuôi truyền thống". Từ kinh nghiệm đúc kết sau một năm thực hiện mô hình nuôi cá "Sông trong ao", ông Bảo cho rằng, nếu muốn đạt hiệu quả cao, ngoài diện tích nuôi lớn và bảo đảm nguồn nước sạch, người nuôi cá cần thường xuyên kiểm tra lượng oxy, dịch bệnh, vệ sinh môi trường và đặc biệt cần lưu tâm nguồn điện.
Theo ghi nhận của các hộ tham gia mô hình, nuôi cá chép ứng dụng công nghệ "Sông trong ao": Cá sinh trưởng tốt, khỏe mạnh, trọng lượng bình quân từ 1,2 đến 1,5kg/con, tỷ lệ sống cao (từ 87% trở lên)… Để mở rộng mô hình, ông Nguyễn Bá Trung mong muốn được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi và được hỗ trợ kỹ thuật nuôi cá theo tiêu chuẩn VietGAP, hỗ trợ tìm kiếm thị trường tiêu thụ...
"Để phát huy hơn nữa tiềm năng, thế mạnh, nâng cao giá trị ngành chăn nuôi thủy sản của Hà Nội, việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, quản lý môi trường nuôi tốt, giảm thiểu dịch bệnh... nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm là một trong những giải pháp phát triển chăn nuôi thủy sản hiệu quả, bền vững. Qua đó, sẽ đáp ứng lượng lớn thực phẩm chất lượng cao cho người tiêu dùng" - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Vũ Thị Hương chia sẻ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.