(HNM) - Thời gian qua, thành phố Hồ Chí Minh đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong triển khai chính quyền số. Hướng tới mục tiêu xây dựng thành phố thông minh vào năm 2025, các cấp, ngành, chính quyền địa phương của thành phố Hồ Chí Minh đang tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, phục vụ người dân ngày càng tốt hơn.
Tiếp cận dịch vụ công nhanh chóng, thuận tiện
Năm 2022, thành phố Hồ Chí Minh trở thành địa phương đầu tiên trên cả nước hoàn thành số hóa 4 loại sổ hộ tịch (gồm: Đăng ký kết hôn, đăng ký khai sinh, đăng ký khai tử và đăng ký nhận cha, mẹ,con), với tổng số khoảng 12 triệu hồ sơ. Kết quả này đã thực sự tạo thuận lợi cho người dân trong thực hiện các thủ tục hành chính. Chị Nguyễn Thu Trang đến từ Hà Nội, đang tạm trú tại phường Tân Hưng (quận 7, thành phố Hồ Chí Minh) cho biết: “Tôi không có hộ khẩu thường trú ở phường Tân Hưng nhưng lại cần có bản sao trích lục hộ tịch có xác nhận của chính quyền để làm giấy tờ cần thiết. Bộ phận Tư pháp của phường Tân Hưng đã nhanh chóng cấp giấy này cho tôi, chỉ với yêu cầu tôi trình căn cước công dân”.
Phó Giám đốc Sở Tư pháp thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Vũ cho biết, việc cấp bản sao trích lục hộ tịch cho công dân không phụ thuộc vào nơi đã đăng ký, nơi lưu trữ sổ hộ tịch và nơi cư trú của người yêu cầu đã được thành phố Hồ Chí Minh triển khai từ tháng 6-2022 đến nay. Việc cấp bản sao trích lục kết hôn, bản sao giấy khai sinh, bản sao trích lục khai tử và bản sao trích lục đăng ký nhận cha, mẹ, con… từ dữ liệu số hóa sổ hộ tịch tại kho dữ liệu dùng chung của thành phố. Đây là cơ sở để mở rộng việc ứng dụng khai thác, sử dụng dữ liệu số hóa sổ hộ tịch trong việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm giấy tờ phải nộp, giảm thời gian giải quyết hồ sơ, giảm đi lại cho người dân.
Theo Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Hồ Chí Minh, Tổng đài 1022 của thành phố hiện là “đầu mối” tiếp nhận mọi thông tin của người dân và dùng ứng dụng trí tuệ thông minh (AI) để phân loại thông tin, chuyển đến 625 đầu mối xử lý của 86 đơn vị chức năng giải quyết và phảnhồi kịp thời kết quả đến người dân. Còn theo Công an thành phố Hồ Chí Minh, trong năm 2022, thông qua hệ thống ghi hình tự động giám sát giao thông, lực lượng công an đã phạt nguội 111.473 trường hợp vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, xử phạt gần 40 tỷ đồng.
Năm 2022, thành phố Hồ Chí Minh cũng đã tích hợp dữ liệu về hệ thống thoát nước; hệ thống chiếu sáng đô thị; hệ thống công viên cây xanh; xử lý nước thải; hạ tầng giao thông; điện lực; địa chính; quy hoạch đô thị về kho dữ liệu dùng chung của thành phố. Hiện thành phố đang thử nghiệm chia sẻ dữ liệu bản đồ thông tin địa lý tỷ lệ 1:2000, 1:5000 khu vực thành phố Thủ Đức với 87 lớp dữ liệu cho cá nhân, tổ chức có nhu cầu sử dụng. Giám đốc Sở Thông tin
và Truyền thông thành phố Hồ Chí Minh Lâm Đình Thắng khẳng định: “Hạ tầng thông tin số rộng khắp đã bảo đảm mọi người dân và doanh nghiệp tiếp cận tiện ích của các dịch vụ công nhanh chóng, thuận tiện".
Tiếp tục triển khai diện rộng
Theo Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Hồ Chí Minh Lâm Đình Thắng, thành phố đang tích cực triển khai chương trình hỗ trợ điện thoại thông minh có kết nối internet cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ có thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn. Mục tiêu là để những tiện ích của chuyển đổi số và xây dựng chính quyền số sẽ đi vào những lĩnh vực cụ thể, sát đời sống nhất và đến được với mọi người dân.
Đơn cử, thành phố tiếp tục hoàn thiện hệ thống tổng đài khẩn cấp liên thông 113 - 114 - 115 và phòng, chống thiên tai, phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn. Theo đó, từ ngày 10-2-2023, trong vòng 10 phút, cơ quan chức năng sẽ có ngay thông tin, vị trí thuê bao báo cấp cứu, tai nạn, thảm họa để cứu hộ người bị nạn.
Tháng 8-2022, Bộ Thông tin và Truyền thông đã đánh giá, xếp hạng thành phố Hồ Chí Minh đứng thứ 3/63 tỉnh, thành về kết quả chuyển đổi số năm 2021, tăng 2 hạng so với năm 2020. Phát huy những thành tựu đã đạt được, thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục giảm số lượng các dịch vụ công thủ công; tập trung sử dụng hiệu quả dữ liệu, ứng dụng các công nghệ phù hợp để hỗ trợ giải quyết kịp thời các yêu cầu xử lý thủ tục hành chính của người dân và doanh nghiệp mọi lúc, mọi nơi... với việc sẽ cấp cho mỗi cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức một tài khoản duy nhất. Tài khoản này sẽ được sử dụng để đăng nhập vào Cổng dịch vụ công trực tuyến tại địa chỉ https://dichvucong.hochiminhcity.gov.vn.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Dương Anh Đức cho biết, thành phố Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số, hướng đến mục tiêu xây dựng thành phố Hồ Chí Minh trở thành thành phố thông minh vào năm 2025. Thành phố phấn đấu đến năm 2025, kinh tế số sẽ chiếm 25% tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP), phục vụ hữu ích cho việc phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh, trật tự...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.