Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hiệu quả liên kết bảo vệ rừng giáp ranh

Bài, ảnh: Tiến Lâm| 23/12/2021 11:30

Sau gần 8 năm, ngành Kiểm lâm Hà Nội phối hợp liên kết bảo vệ rừng và quản lý lâm sản khu vực giáp ranh các tỉnh, thành phố đã mang lại hiệu quả thiết thực. Tình trạng chặt phá rừng, buôn bán lâm sản, động vật hoang dã ở các địa phương được xử lý kịp thời, số vụ cháy rừng giảm, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái của Thủ đô và các tỉnh lân cận.

Lực lượng kiểm lâm các địa phương tuần tra chung góp phần quản lý, bảo vệ rừng hiệu quả.

Liên kết quản lý, bảo vệ rừng

Thành phố Hà Nội có hơn 27.160ha rừng và đất lâm nghiệp, giáp ranh với 8 tỉnh: Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nam, Hòa Bình, Hưng Yên, Phú Thọ, Thái Nguyên và Vĩnh Phúc. Thời gian qua, ở khu vực giáp ranh gặp nhiều khó khăn trong công tác quản lý bảo vệ rừng, đặc biệt, nguy cơ cháy rừng rất cao trong mùa khô hanh. Do đó, để thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng ở khu vực giáp ranh, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Nội (Sở NN&PTNT Hà Nội) Lê Minh Tuyên cho biết, đơn vị căn cứ vào vị trí địa lý, đặc điểm tự nhiên, tầm quan trọng của từng loại rừng ở các địa phương giáp ranh để xây dựng phương án phối hợp đạt hiệu quả cao nhất.

Chẳng hạn, khu vực rừng Hương Sơn, huyện Mỹ Đức giáp với rừng ở huyện Kim Bảng (Hà Nam), ngành Kiểm lâm 2 địa phương ký kết kế hoạch phối hợp bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng. Đặc biệt, vào mùa lễ hội chùa Hương, lực lượng kiểm lâm phối hợp tuần tra, ứng trực xung quanh khu vực núi Hương Sơn để phòng, chống cháy rừng và ngăn chặn người dân đưa động vật rừng vào tiêu thụ trong lễ hội.

Đối với khu vực rừng phòng hộ Sóc Sơn, hằng năm, lực lượng kiểm lâm Sóc Sơn phối hợp với Hạt Kiểm lâm Phúc Yên (Vĩnh Phúc) và Hạt Kiểm lâm Phổ Yên (Thái Nguyên) đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống cháy rừng đến hơn 200 hộ dân sinh sống ở khu vực giáp ranh. Trong mùa hanh khô, lực lượng kiểm lâm phụ trách địa bàn thường xuyên trao đổi thông tin; thực hiện phối hợp tuần tra rừng 2 lần/tháng; giao ban giữa các kiểm lâm viên 1 lần/tháng; phối hợp trong công tác phát hiện, ngăn chặn và xử lý vi phạm trong quản lý bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng.

Ngoài nhiệm vụ phối hợp quản lý, bảo vệ rừng, theo ông Phạm Văn Vọng, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Sóc Sơn, lực lượng kiểm lâm các địa phương còn có nhiệm vụ tham mưu cho UBND các xã thực hiện công tác phối hợp trong huy động nhân dân tham gia phòng cháy, chữa cháy rừng và quản lý lâm sản; tuyên truyền, vận động nhân dân vùng giáp ranh không xâm canh, xâm cư, săn bắt động vật trong rừng.

Đánh giá về vấn đề này, ở góc độ cơ sở, Chủ tịch UBND xã Minh Trí (huyện Sóc Sơn) Đinh Văn Bảo khẳng định: Sự liên kết quản lý, bảo vệ rừng và phòng, chống cháy rừng ở khu vực giáp ranh thời gian qua đã phát huy hiệu quả rõ rệt. Người dân được tuyên truyền về Luật Lâm nghiệp, tập huấn về phòng, chống cháy rừng… nên ý thức bảo vệ rừng của người dân được nâng cao, giảm số vụ cháy rừng và phá rừng trên địa bàn giáp ranh.

Giảm số vụ cháy rừng, phá rừng   

Ông Nguyễn Văn Chuẩn, Phó Trưởng phòng Quản lý bảo vệ rừng và phát triển rừng (Chi cục Kiểm lâm Hà Nội) cho biết, sau gần 8 năm phối hợp liên kết quản lý, bảo vệ rừng giáp ranh giữa các địa phương cho thấy đã phát huy hiệu quả. Từ tháng 11-2019 đến nay, lực lượng kiểm lâm các địa phương đã thực hiện phối hợp tuần tra chung được 10 đợt và cung cấp cho nhau hơn 100 lượt thông tin về khai thác, vận chuyển lâm sản vùng giáp ranh, thời gian, địa điểm nhân dân đốt dọn thực bì để cảnh báo. Theo thống kê, năm 2020, số vụ cháy rừng, phá rừng ở khu vực giáp ranh chỉ còn 1 vụ, thiệt hại khoảng 1,5ha rừng; xử lý 1 vụ vận chuyển lâm sản về Hà Nội tiêu thụ... Từ đầu năm 2021 đến nay, tại các khu vực rừng giáp ranh chưa xảy ra tình trạng cháy rừng và khai thác rừng trái phép...

Ngoài ra, Chi cục Kiểm lâm 3 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên còn tham mưu cho chính quyền địa phương thuộc vùng giáp ranh xây dựng phương án phối hợp rà soát vị trí diện tích rừng và đất lâm nghiệp chồng lấn giữa thành phố Phúc Yên với huyện Sóc Sơn tại vị trí giáp ranh có diện tích 163,7ha rừng trồng, 68,3ha rừng phòng hộ, 95,4ha rừng sản xuất.

Tương tự, đối với các hạt kiểm lâm: Ba Vì, Sơn Tây, Chương Mỹ hằng năm đều thiết lập đường dây nóng, tăng cường lực lượng canh gác, tuần tra chung với kiểm lâm các tỉnh có rừng giáp ranh. Khi xảy ra cháy rừng các bên huy động lực lượng tại chỗ phối hợp chữa cháy kịp thời.

Như vậy, sau gần 8 năm triển khai chương trình liên kết quản lý bảo vệ và phòng, chống cháy rừng, khu vực có rừng giáp ranh ngày càng ổn định, an ninh rừng được bảo đảm, không phát sinh cháy lớn. Đặc biệt, từ đầu năm 2021 đến nay, ý thức cán bộ, nhân dân các xã khu vực giáp ranh được nâng cao rõ rệt, không còn điểm nóng về cháy rừng, phá rừng ở các khu vực giáp ranh.

Tuy nhiên, để công tác phối hợp giữa các địa phương phát huy hiệu quả cao hơn nữa, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Nội Lê Minh Tuyên đề xuất trong thời gian tới, ngành Kiểm lâm 9 tỉnh, thành phố cần xây dựng quy chế phối hợp xuống tận thôn, xóm, tổ đội bảo vệ rừng ở các khu vực giáp ranh. Các địa phương xử lý dứt điểm khu vực rừng chồng lấn để có cơ sở quản lý, bảo vệ. Các hạt kiểm lâm phối hợp bố trí lực lượng ứng trực 24/24 giờ tại những trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng trong 7 tháng mùa khô hanh để kịp thời thông tin cảnh báo sớm cháy rừng và xử lý ngay từ khi vụ việc mới phát sinh, giảm thấp nhất thiệt hại tài nguyên rừng cho các bên.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hiệu quả liên kết bảo vệ rừng giáp ranh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.