(HNM) - Vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi của thành phố có diện tích trên 33.000ha, dân số hơn 65.000 người và là khu vực có vị trí đặc biệt quan trọng của Thủ đô.
Làm gì để phát triển kinh tế, nhất là sản xuất nông nghiệp, nâng cao đời sống, thu nhập cho đồng bào DTTSMN có ý nghĩa rất lớn trong việc hoàn thành mục tiêu Chương trình 02 của Thành ủy Hà Nội về xây dựng nông thôn mới (NTM).
Người dân xã Yên Trung, huyện Thạch Thất được học nghề điện dân dụng. Ảnh: Bá Hoạt |
Đầu tư nhiều, hiệu quả ít
Hà Nội hiện có 13 xã, 1 thôn dân tộc miền núi thuộc các huyện Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai, Mỹ Đức và Chương Mỹ. Thực hiện Kế hoạch số 166/KH-UBND ngày 30-11-2012 của UBND TP Hà Nội về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTSMN của Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2013-2015, dự kiến sẽ có 186 dự án, công trình được đầu tư tập trung trên địa bàn các xã, thôn này thuộc các lĩnh vực: Cấp nước, cấp điện, thủy lợi, giao thông nông thôn, y tế, giáo dục, văn hóa thể thao với tổng vốn đầu tư trên 2.000 tỷ đồng, thực hiện trong 3 năm, từ 2013 đến 2015.
Ông Dương Trung Liên, Chủ tịch UBND xã Ba Vì cho biết, Ba Vì là xã hẻo lánh và nghèo nhất của huyện Ba Vì, 100% dân số là người Dao, có tỷ lệ hộ nghèo chiếm 35,7%, thu nhập bình quân đầu người chưa tới 7 triệu đồng/năm. Khoảng 2 năm trở lại đây, được sự đầu tư của thành phố và huyện, đời sống người dân tuy chưa khá hẳn lên song việc đi lại đã được cải thiện đáng kể. Hầu hết các thôn, xóm trong xã đều đã có đường bê tông. Xã đã xây dựng được trạm y tế, trường THPT, nâng cao được đời sống văn hóa tinh thần cho người dân. Tương tự, tại các xã khác của huyện Ba Vì là Khánh Thượng, Minh Quang, Vân Hòa, Yên Bài, Ba Trại, Tản Lĩnh cũng như các xã Yên Trung, Yên Bình, Tiến Xuân (huyện Thạch Thất), An Phú (huyện Mỹ Đức), Đông Xuân, Phú Mãn (Quốc Oai) và thôn Đồng Ké (xã Trần Phú, huyện Chương Mỹ), những con đường bê tông khang trang, nhà văn hóa, trạm xá, trường học… dù chưa đáp ứng được nhu cầu nhưng đã ít nhiều làm đổi thay bộ mặt nông thôn miền núi.
Tuy nhiên, nỗi trăn trở, bức xúc của chính quyền và người dân các địa phương là quá nhiều công trình thi công dở dang. Theo Ban Dân tộc TP Hà Nội, tính đến hết tháng 6-2014, trong số 44 dự án đã được phê duyệt theo Kế hoạch số 166/KH-UBND có tới 32 dự án mới hoàn thành 30-70% khối lượng. Điển hình tại xã Ba Vì, dự án xây dựng trạm y tế xã được phê duyệt và thực hiện từ năm 2012 nhưng đến nay, sau khi đã hoàn thành 80% khối lượng công trình thì tạm dừng. Một số dự án khác như cầu Ái Nàng (huyện Mỹ Đức), kè phòng hộ chắn lũ rừng ngang; một số tuyến đường ở xã Tiến Xuân (huyện Thạch Thất), An Phú (huyện Mỹ Đức)… hiện cũng đang chậm tiến độ. Nguyên nhân chính là do thiếu vốn.
Cần quan tâm thiết thực hơn nữa
Để phát triển kinh tế, đẩy mạnh sản xuất tại các xã miền núi, thời gian qua thành phố đã có một số biện pháp cụ thể như bàn giao diện tích đất của các nông, lâm trường quản lý kém hiệu quả về cho địa phương; giao đất rừng cho đồng bào dân tộc phát triển các mô hình trồng thuốc Nam kết hợp trồng và chăm sóc rừng; có cơ chế, định mức hỗ trợ sản xuất cho đồng bào DTTSMN để giảm nghèo bền vững, nhất là trong giải quyết việc làm, xây dựng mô hình sản xuất phù hợp với điều kiện miền núi...
Tại buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát mới đây để giải quyết một số vấn đề liên quan giữa Vườn quốc gia Ba Vì với địa phương đang gây bức xúc hiện nay, ông Lê Văn Minh, Chủ tịch UBND huyện Ba Vì cho biết, Vườn quốc gia Ba Vì từ ranh giới cốt 100m trở lên có 6.136,7ha thuộc 7 xã miền núi của huyện, trong đó riêng diện tích phải bàn giao về cho các xã này quản lý theo quyết định của UBND tỉnh Hà Tây (cũ) là 297,5ha nhưng hiện Vườn chưa bàn giao 76,6ha cho xã Vân Hòa, 20,2ha cho xã Minh Quang. Đồng thời, ranh giới cốt 100m không được phân định rõ ràng, nhiều vị trí không tìm thấy mốc giới dẫn đến tranh chấp... Trong khi đó, các xã lại thiếu đất sản xuất nông nghiệp trầm trọng. Xã Ba Vì hiện chỉ có 22,62ha trồng lúa, sản lượng thóc cả năm khoảng 187 tấn, bình quân lương thực đầu người chỉ có 86,6kg/năm. Để "cứu đói", người dân đã phải nhiều lần kiến nghị lên các cấp, đề nghị trả lại diện tích đất tự nhiên từ cốt 400m trở xuống để trồng rừng kết hợp với sản xuất nông nghiệp.
Những khó khăn nêu trên không chỉ liên quan đến đồng bào DTTSMN Ba Vì mà còn của một số xã lân cận trong khu vực và là khó khăn giữa yêu cầu bảo tồn tài nguyên quốc gia với bảo đảm cuộc sống của người dân địa phương. Vấn đề này đã được thành phố và Bộ NN&PTNT thống nhất biện pháp giải quyết ngay. Cụ thể, trong thời gian tới, thành phố sẽ xác định mốc giới đánh giá hiện trạng rừng, rà soát việc giao đất giao rừng cho người dân cũng như quy hoạch lại các loại cây trồng dưới cốt 100m cho phù hợp với từng địa hình, loại đất đồng thời đánh giá rừng vị trí của Vườn quốc gia Ba Vì để có sự quản lý một cách chặt chẽ, hiệu quả…
Mở rộng ra các địa bàn khác, người dân vùng DTTSMN mong muốn được thành phố, các ngành chức năng quan tâm cụ thể và thiết thực như thế.
Ông Nguyễn Tất Vinh, Trưởng ban Dân tộc TP Hà Nội: Mới bố trí vốn thực hiện 44/186 dự án Lũy kế đến tháng 6-2014, thành phố mới bố trí 336,5 tỷ đồng để thực hiện 44/186 dự án, bằng 16,7% kế hoạch. Con số ít ỏi này khiến mục tiêu nâng cao chất lượng đời sống cho đồng bào DTTSMN trên địa bàn thành phố cũng như hoàn thành Chương trình 02 về xây dựng NTM của các địa phương càng trở nên khó khăn hơn. Kế hoạch hoàn thành xây dựng NTM của nhiều xã đều "dài hơi", đến tận năm 2020, thậm chí là năm 2030 (?). |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.