Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hiệu quả bước đầu của chuyển đổi số công tác sàng lọc bệnh nhân

Thu Hoài| 17/02/2021 17:01

(HNMO) – Qua 9 ngày triển khai tại các cơ sở y tế trên địa bàn, ứng dụng Khai báo y tế điện tử của Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh đã phát huy tác dụng trong việc sàng lọc và cập nhật ngay lập tức các yếu tố dịch tễ của bệnh nhân đến khám, từ đó có phương án phân luồng kịp thời. Ứng dụng này vừa đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho người dân.

Giao diện phần mềm khai báo và các cảnh báo sàng lọc.

Đáp ứng nhanh yêu cầu từ thực tiễn

Theo Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh, trong đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ ba này, có đến 80% bệnh nhân nhiễm bệnh mà không có triệu chứng. Do đó, việc ứng dụng công nghệ thông tin để cải tiến và nâng cao hiệu quả khai báo y tế và hỗ trợ các bác sĩ lâm sàng khai thác kỹ các yếu tố dịch tễ sẽ đóng vai trò quan trọng.

Trước đây, đã có cơ sở y tế ứng dụng khai báo y tế số, có cơ sở vẫn duy trì khai báo y tế bằng giấy, khiến dữ liệu tổng hợp không đồng bộ. Hơn nữa, ngay giữa các cơ sở y tế thực hiện khai báo y tế số, dữ liệu khai báo nằm rải rác, không quy về một mối. Những điều này gây khó khăn cho công tác tổng hợp, phân tích dữ liệu và xây dựng dữ liệu lớn (Big Data) cho toàn ngành Y tế thành phố Hồ Chí Minh.

 Khu vực khai báo y tế bằng thiết bị thông minh hoặc qua màn hình cảm ứng tại Bệnh viện Nhi đồng 1.

Từ yêu cầu thực tiễn, ngày 5-2, Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai ứng dụng khai báo y tế điện tử và hướng dẫn khai thác kỹ yếu tố dịch tễ khi khám bệnh tại bệnh viện trên địa bàn thành phố, với 2 mục tiêu: Để người dân dễ dàng khai báo y tế và để y, bác sĩ nhanh chóng quản lý, khai thác yếu tố dịch tễ của bệnh nhân. Phần mềm do Ban Công nghệ thông tin (Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh) nghiên cứu và phát triển.

Người bệnh có thể truy cập ứng dụng bằng cách dùng điện thoại thông minh quét mã QR code tại cơ sở y tế hoặc kết nối địa chỉ https://kbyt.khambenh.gov.vn, khai báo theo các mục trong giao diện rõ ràng, thân thiện, với đủ các yếu tố dịch tễ sàng lọc. Khi khai báo xong, bấm “gửi”, hệ thống sẽ tự động phân tích và trả lời “thành công” bằng dấu tích xanh, hoặc “cảnh báo” bằng dấu tích đỏ. Nhân viên y tế căn cứ vào kết quả trả lời này để tiến hành các bước sàng lọc tiếp theo.

Giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh thông tin: Các bệnh viện trên địa bàn thành phố tổ chức nhân lực, vật lực sẵn sàng 24/7 để tiếp đón, hướng dẫn, hỗ trợ người bệnh/người nhà, khách đến thực hiện khai báo y tế điện tử.

Cũng theo phân công của Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) là đơn vị chịu trách nhiệm hướng dẫn các bệnh viện, cơ sở y tế thực hiện các bước chuyển đổi số trong khai báo y tế nêu trên; phân công cán bộ phụ trách, thường xuyên truy cập hệ thống khai báo y tế để kịp thời kiểm tra thông tin và xử lý đối với những trường hợp thuộc nhóm có yếu tố nguy cơ.

Sau 2 ngày thử nghiệm, từ chiều 8-2, Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh đã chính thức triển khai ứng dụng khai báo y tế điện tử tại tất cả bệnh viện trên địa bàn.

Hiệu quả thiết thực

Chỉ trong ngày đầu triển khai, Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh đã nhận được dữ liệu khai báo y tế của 26.500 lượt người với 848 trường hợp cần khám sàng lọc. Các bệnh viện đã có số lượt khai báo y tế khá cao (thay thế hoàn toàn cho khai báo thủ công trên giấy) như: Bệnh viện Xuyên Á (2.040 lượt với 24 trường hợp cần khám sàng lọc), Bệnh viện Nhi Đồng 2 (1.387 lượt với 33 sàng lọc), Bệnh viện Phụ sản MêKông (1.091 với 9 sàng lọc), Bệnh viện Từ Dũ (2.425 lượt với 33 sàng lọc), Bệnh viện Ung Bướu (1.191 lượt với 12 sàng lọc), Bệnh viện Nhân Dân Gia Định (979 lượt với 36 sàng lọc),…

Nhân viên y tế Bệnh viện thành phố Thủ Đức tiếp đón người bệnh sáng 17-2.

Tính đến ngày 17-2, sau 9 ngày triển khai, đã có 129 bệnh viện công lập và tư nhân trên địa bàn thành phố sử dụng ứng dụng khai báo y tế điện tử.

Nhiều người dân đã bày tỏ ủng hộ. Sáng 17-2, đến khám tại Bệnh viện thành phố Thủ Đức, anh Lê Vinh (ngụ tại phường Bình Chiểu) cho biết: “Nhân viên y tế hướng dẫn nhiệt tình, thân thiện, nên tôi làm các thủ tục rất nhanh”. Còn ông Nguyễn Minh Dương đến từ phường Tam Bình nói: "Tôi đến khám sức khỏe định kỳ để phục vụ công việc. Mọi thủ tục nhanh và đơn giản”.

Về phía ngành Y tế thành phố Hồ Chí Minh, qua 9 ngày triển khai ứng dụng khai báo điện tử tại các cơ sở y tế, số liệu tổng hợp kết quả khai báo y tế cho thấy, có 12.983 lượt người bệnh thuộc nhóm có nguy cơ cần được phân luồng và khám sàng lọc trong tổng số 393.560 lượt người bệnh (khoảng 3%) đến khám bệnh tại các cơ sở y tế.

 Kết quả sàng lọc y tế từ các cơ sở khám, chữa bệnh ngay lập tức hiện trên phần mềm tổng hợp của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật và Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh theo thời gian thực.

“Với khoảng 3% người bệnh cần được phân luồng theo hướng được khám sàng lọc, các cơ sở y tế sẽ bố trí nguồn lực thích hợp cho khu vực khám sàng lọc để đáp ứng nhanh và sát với yêu cầu thực tiễn”, Giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Tấn Bỉnh nhận định.

Theo Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh, trong thời gian tới, ứng dụng khai báo y tế sẽ được tích hợp vào app “Tra cứu KCB” của Sở Y tế đang có sẵn trên Google Play và App Store để tạo thuận lợi nhất cho người dân khi tải về điện thoại thông minh dùng hệ điều hành Android hoặc iOS. Theo đó, sau khi tra cứu nơi khám, chọn nơi khám, người dân sẽ khai báo y tế đã được tích hợp trên ứng dụng này. Ngoài ra, căn cứ tình hình thực tế, các yếu tố dịch tễ sẽ liên tục được cập nhật trong ứng dụng khai báo, phục vụ việc phân tích và phân luồng bệnh nhân, phòng, chống Covid-19 hiệu quả hơn.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hiệu quả bước đầu của chuyển đổi số công tác sàng lọc bệnh nhân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.