(HNM) - Từ đổi mới, hầu như mỗi kỳ họp Quốc hội đều thảo luận và thông qua những bộ luật mới. Hệ thống pháp luật của Việt Nam đang dần dần bao trùm mọi lĩnh vực hoạt động kinh tế, xã hội và mỗi năm một hoàn thiện hơn. Luật được thông qua, ban hành nhiều nhưng tính khả thi, hiệu lực thực tế của luật lại không tương xứng. Trong thực tế, luật pháp thường không được chấp hành nghiêm túc, từ người dân đến cả các cơ quan nhà nước, địa phương...
Nguyên nhân không chỉ đơn thuần là do nhiều bộ luật được soạn thảo và thông qua nhằm đối phó với tình thế nên rất mau chóng lạc hậu trước thời cuộc; không chỉ do hiểu biết và ý thức của công dân hay truyền thống "phép vua thua lệ làng".
Pháp luật nghiêm minh là ở chỗ mọi hành vi phạm pháp đều bị xử lý. Hình phạt đối với người vi phạm, cũng như thuốc đối với bệnh nhân, quá liều hay không đủ liều đều gây tác hại. Ở nước ta hiện nay, hình phạt đang bị "nhờn" nên hiệu lực luật pháp trong nhiều trường hợp không phát huy được, nhất là trong lĩnh vực dân sự, chống tham nhũng...
Có tình trạng đó không phải vì không có luật hay không đủ loại hình phạt mà trước hết do cách diễn giải và áp dụng luật hết sức khác biệt giữa các tòa án địa phương, giữa tòa án các cấp. Theo cáo trạng cũng tội như nhau mà tòa án tỉnh này tuyên một mức, tỉnh kia mức khác và hai mức chênh lệch không chỉ một vài năm tù. Hay tòa sơ thẩm tuyên nặng, tòa phúc thẩm tuyên nhẹ hoặc yêu cầu hủy án hay ngược lại... Chính vì vậy nhiều phán quyết của tòa án, kể cả của TAND tối cao đã bị kháng án lên cấp cao hơn. Đó là một thực tế không bình thường, tạo tâm lý nghi ngờ tính công minh của pháp luật và từ đó nảy sinh ý thức không tôn trọng, thi hành phán quyết của tòa.
Rất nhiều hiện tượng, những bài toán xã hội hiện nay rất nan giải như ùn tắc giao thông; tín dụng đen; bạo lực gia đình; tranh chấp đất đai; ô nhiễm làng nghề... sẽ giải quyết được một cách mau chóng, triệt để nếu quyết định của cơ quan thẩm quyền được coi như phán quyết của tòa và nếu không thực thi sẽ phạm điều khoản chống lại pháp luật. Giả sử nếu một người đi không đúng làn đường sẽ không dám tái phạm nếu bị phạt hành chính một tuần liền, mỗi ngày một tiếng, vào giờ cao điểm, đứng nơi họ vi phạm để điều hành luồng xe hỗn loạn mà họ từng là thành viên!
Một hình phạt như vậy có đúng luật không? Chắc chắn có. Nhưng ở nước ta nó khả thi không? Chắc là không. Cũng như nhiều hình phạt khác. Hình phạt đã tuyên trên cơ sở luật pháp mà không được thi hành nghiêm túc thì luật còn nghiêm minh?
Khung hình phạt rộng; phán quyết tùy thuộc nhiều vào chủ tọa diễn giải luật; hình phạt không kèm theo biện pháp cưỡng chế mạnh mẽ, kịp thời dẫn tới tình trạng nhờn pháp luật, coi thường kỷ cương phép nước chứ không phải do luật thiếu hay do trình độ dân trí.
Luật là cần thiết, nhưng mỗi luật ban hành cần phải bảo đảm tính khả thi. Chỉ như vậy mỗi luật nói riêng và hệ thống luật nói chung mới thực sự trở thành công cụ bảo đảm tính bền vững của xã hội và Nhà nước mới thực sự là pháp quyền.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.