(HNM) - Đúng một tuần sau khi Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc (ACFTA) chính thức đi vào hoạt động, Diễn đàn Khu vực mậu dịch tự do ASEAN - Trung Quốc đầu tiên với chủ đề
Diễn ra trong 2 ngày (7 và 8-1), mục tiêu của diễn dàn là đánh giá những thành tựu đạt được trong quá trình xây dựng ACFTA; đưa ra những giải pháp nhằm tăng cường hợp tác kinh tế, đầu tư và trao đổi thương mại giữa Trung Quốc với các nước thành viên ASEAN trong thời gian tới.
Hải cảng Xingapo trở nên tấp nập hơn khi ACFTA có hiệu lực. |
Sự có mặt của hơn 400 đại biểu gồm các quan chức chính phủ, nhà ngoại giao, chuyên gia, học giả nổi tiếng Trung Quốc cùng 10 nước thành viên ASEAN và đại diện một số tập đoàn kinh tế lớn của Trung Quốc, Pháp và Nhật Bản… tại diễn đàn đã cho thấy tầm quan trọng của ACFTA như thế nào. Và tín hiệu lạc quan đã đến ngay trong tuần đầu tiên ACFTA có hiệu lực, khi tại diễn đàn, Trung Quốc và ASEAN ký 18 dự án hợp tác với tổng giá trị khoảng 4,9 tỷ USD thuộc các lĩnh vực: thông tin, viễn thông, nhà máy điện, xây dựng hạ tầng đô thị, năng lượng, tài chính - tiền tệ...
ACFTA có hiệu lực được đánh giá không thua kém gì các hiệp định tương tự của Liên minh châu Âu (EU) hay Khu vực mậu dịch tự do Bắc Mỹ (NAFTA), bởi những lợi thế cạnh tranh của nó sẽ góp phần làm thay đổi bức tranh toàn cảnh hoạt động kinh doanh và công nghiệp của một khu vực rộng lớn, trải dài trên diện tích 13 triệu kilômét vuông và lớn nhất thế giới về dân số (1,9 tỷ người). Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới và khu vực vừa thoát đáy cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, sự kiện ACFTA đi vào hoạt động còn góp phần giúp hai bên bớt phụ thuộc vào thị trường xuất khẩu bên ngoài, tạo ra nhiều cơ hội thúc đẩy trao đổi thương mại. Đây được xem là đòn bẩy thúc đẩy thương mại khu vực, hội nhập kinh tế trong vùng diễn ra nhanh hơn. Đây cũng là một trong những giải pháp nhằm chống lại chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch dưới mọi hình thức.
Song, đi cùng với những thuận lợi, ACFTA còn đem đến những thách thức khó tránh khỏi như bất cứ thỏa thuận thương mại tự do nào khác. Trong đó có ý kiến cho rằng, hiệp định này mang lại lợi ích cho Trung Quốc nhiều hơn, bởi nó cho phép nước này tăng cường xuất khẩu nguyên liệu và chiếm lĩnh thị trường ASEAN bằng các sản phẩm giá rẻ. Đây là thách thức tức thời với các doanh nghiệp trong nước của 6 quốc gia Thái Lan, Xingapo, Malaixia, Inđônêxia, Brunây và Philíppin. Sau đó là với Việt Nam, Lào, Campuchia, Mianma vào năm 2015.
Việc dỡ bỏ thuế quan hơn 90% mặt hàng theo quy định của ACFTA sẽ giúp Trung Quốc bù đắp sự sụt giảm xuất khẩu sang thị trường Mỹ kể từ khi xảy ra khủng hoảng đến nay. Đây là cơ sở để các chuyên gia kinh tế dự báo trao đổi thương mại Trung Quốc - ASEAN sẽ tăng lên mức kỷ lục vào năm 2010, khoảng 200 tỷ USD so với mức 100 tỷ USD của năm 2005. Cùng với đó, nhiều chuyên gia lo ngại rằng, thâm hụt thương mại của ASEAN với Trung Quốc hiện có thể so sánh với thặng dư thương mại của ASEAN với Mỹ, khoảng 21 tỷ USD. Việc khai thác tốt ACFTA được cho là yếu tố không nhỏ giúp Trung Quốc dần chinh phục vị trí nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới trong thời gian ngắn.
ACFTA có hiệu lực đúng vào thời điểm Việt Nam đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN. Vì thế, những thách thức mà các quốc gia ASEAN phải đối mặt liên quan đến ACFTA sẽ là nhiệm vụ nặng nề của Việt Nam trên cương vị Chủ tịch ASEAN. Đây cũng là thách thức với Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh có ý kiến cho rằng việc định giá thấp đồng nhân dân tệ hiện nay của Trung Quốc đang tạo lợi thế cho nền kinh tế Trung Quốc. Song, với kinh nghiệm 15 năm tham gia ASEAN, nhất là vừa hoàn thành xuất sắc vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ trong hai năm 2008-2009, Việt Nam sẽ nỗ lực tối đa hóa những lợi ích của ACFTA nhằm đẩy mạnh hợp tác trong Hiệp hội cũng như giữa ASEAN với các đối tác, trong đó có Trung Quốc.
Xét một cách tổng thể, ACFTA sẽ tạo thuận lợi hơn cho giao dịch thương mại hàng hóa, dịch vụ trong khu vực và người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi. Phó Tổng thư ký phụ trách các vấn đề kinh tế của ASEAN, trong cuộc trả lời phỏng vấn báo chí gần đây đã thừa nhận, cùng với thách thức "cả Trung Quốc và ASEAN cùng có lợi" khi ACFTA đi vào hoạt động. Đây cũng là một câu hỏi "kép" được các đại biểu tham dự Diễn đàn Khu vực mậu dịch tự do ASEAN - Trung Quốc quan tâm nhất tại Nam Ninh trong hai ngày qua.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.