Với những cam kết mang tính toàn diện, tiêu chuẩn cao và cân bằng, Hiệp định CPTPP sẽ giúp tăng cường mối liên kết cùng có lợi giữa các nền kinh tế thành viên và thúc đẩy thương mại, đầu tư và tăng trưởng kinh tế trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
CPTPP được kỳ vọng tạo cú hích cho nhiều ngành hàng của Việt Nam, trong đó có ngành dệt may. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN) |
Hiệp định CPTPP đã chính thức có hiệu lực từ ngày 30-12-2018 đối với nhóm 6 nước đầu tiên hoàn tất thủ tục phê chuẩn Hiệp định gồm Mexico, Nhật Bản, Singapore, New Zealand, Canada và Australia.
Đối với Việt Nam, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc phê chuẩn Hiệp định CPTPP và các văn kiện có liên quan vào ngày 12-11-2018. Theo đó, Hiệp định sẽ có hiệu lực đối với Việt Nam từ ngày 14-1-2019.
Nhằm giúp doanh nghiệp Việt Nam có thể hiểu rõ và hiểu đúng các cam kết của Hiệp định CPTPP để từ đó tận dụng được hiệu quả những cơ hội và lợi ích mà Hiệp định này mang lại, Bộ Công Thương đang phối hợp với Đại Sứ quán Australia tại Việt Nam và Ngân hàng Thế giới xây dựng một cổng thông tin thương mại điện tử giới thiệu về các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đang tham gia (trong đó có Hiệp định CPTPP) với những công cụ tra cứu về các cam kết và quy định cụ thể trong từng lĩnh vực, ngành hàng đối với từng đối tác tham gia hiệp định.
Dự kiến cổng thông tin này sớm được giới thiệu và vận hành chính thức trên Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương trong thời gian tới.
Tuy nhiên, để kịp thời giúp doanh nghiệp nắm rõ những thông tin cơ bản về Hiệp định CPTPP, tại Cổng thông tin thương mại điện tử giới thiệu về các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đang tham gia (trong đó có CPTPP), Bộ Công Thương sẽ mở ra các chuyên mục nhỏ như giới thiệu chung về Hiệp định CPTPP; các cam kết trong các lĩnh vực chính của Hiệp định CPTPP; cơ hội và thách thức của Hiệp định CPTPP; một số câu hỏi thường gặp về Hiệp định CPTPP; toàn văn Hiệp định CPTPP.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.