(HNM) - Chưa bao giờ tốc độ xây dựng các dự án nhà ở tại Hà Nội phát triển mạnh mẽ như những năm gần đây. Chỉ tính riêng từ năm 2016 đến nay, trên địa bàn thành phố đã có 157 dự án nhà ở thương mại hoàn thành với hơn 8 triệu mét vuông sàn xây dựng để phục vụ nhu cầu của người dân.
Chưa kể, hiện còn hơn 200 dự án đang triển khai, hoàn thành trong giai đoạn 2019-2020 với hơn 13 triệu mét vuông sàn nhà ở. Các dự án nhà ở xã hội của thành phố cũng đã hoàn thành gần 1 triệu mét vuông sàn, cộng thêm các dự án đang triển khai có khả năng hoàn thành đến năm 2020, tổng diện tích sàn nhà ở xã hội của thành phố đạt hơn 3,4 triệu mét vuông…
Kết quả trên không tự nhiên đến nếu thành phố không thực sự quan tâm và đặt ra những mục tiêu cụ thể tại Quyết định 6336/QĐ-UBND về việc phê duyệt kế hoạch phát triển nhà ở năm 2015 và các năm tiếp theo (giai đoạn 2016-2020) ban hành năm 2014. Cho đến nay, các mục tiêu của kế hoạch đã dần thành hiện thực, nhất là diện tích bình quân đã đạt 26,1m2/người (so với mục tiêu là 26,3m2/người vào năm 2020), góp phần cải thiện điều kiện cuộc sống của người dân và từng bước kiến thiết bộ mặt đô thị ngày càng văn minh, hiện đại.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, việc phát triển nhà ở của Hà Nội hiện nay cũng gặp không ít trở ngại cần sớm được khai thông. Trong đó phải kể đến các dự án nhà ở xã hội, mặc dù chiếm đến 60-70% nhu cầu thị trường, nhưng nguồn cung lại đang thiếu. Nhất là từ cuối năm 2015, khi gói hỗ trợ 30 nghìn tỷ đồng của Chính phủ kết thúc khiến người dân và các doanh nghiệp khó tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi nên ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả phát triển nhà ở xã hội của Hà Nội…
Trong khi đó, với các dự án nhà ở thương mại, khá nhiều dự án, chủ đầu tư mới đang tập trung vào xây nhà ở để bán, chưa thực sự quan tâm phát triển đồng bộ hạ tầng. Mặt khác, việc quy hoạch, quản lý và tổ chức thực hiện theo quy hoạch cũng còn hạn chế…
Sự phát triển đô thị và gia tăng dân số cơ học của Thủ đô hiện nay kéo theo nhu cầu rất lớn về nhà ở. Để đáp ứng nhu cầu đó cũng như tiếp tục thực hiện những mục tiêu, chương trình phát triển nhà ở của thành phố đã đề ra, cần có những cơ chế, giải pháp đột phá hơn nữa tạo nguồn lực cho vấn đề này.
Trong đó, về tổng thể cần rà soát quy hoạch của các dự án nhà ở. Trên cơ sở đó, yêu cầu các chủ đầu tư hoàn thiện đầy đủ cơ sở hạ tầng, tiện ích, dịch vụ… theo quy hoạch để phục vụ đời sống của người dân. Đồng thời xác định cụ thể quỹ đất dành cho dự án nhà ở xã hội để đẩy nhanh tiến độ triển khai. Với dự án xây dựng nhà ở xã hội đã có mặt bằng “sạch”, cần đẩy nhanh tiến độ theo kế hoạch đã đề ra. Trường hợp dự án chậm tiến độ cần xem xét, kiên quyết thu hồi hoặc mời các chủ đầu tư có năng lực về tài chính thực hiện.
Ngoài ra, cùng với đẩy mạnh cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục, cũng cần tạo những cơ chế đặc thù để thu hút doanh nghiệp tham gia xây dựng các dự án nhà ở xã hội. Đặc biệt là có các nguồn vốn ưu đãi hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện dự án và người dân khi mua nhà…
Về phía các doanh nghiệp tham gia xây dựng nhà ở nói chung, cùng với việc chú trọng đến lợi nhuận cũng phải quan tâm đến chất lượng công trình cũng như tạo lập các dịch vụ đầy đủ để tạo dựng môi trường sống bền vững, chất lượng cho cư dân. Trong đó khi triển khai các dự án nhà ở cần gắn với phát triển đô thị thông minh, xanh, bền vững…
Mục tiêu “an cư, lạc nghiệp” cho người dân sẽ thành hiện thực khi cả nhà nước và doanh nghiệp chung tay thực hiện.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.