(HNM) - Mối quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nền kinh tế lớn của châu Á một lần nữa được khẳng định và có thêm những bước tiến mạnh mẽ khi Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi vừa có chuyến thăm chính thức Nhật Bản...
Sự kiện này được giới quan sát kỳ vọng là dịp để hai bên đánh giá những tiến triển, đồng thời làm sâu sắc chiều hướng chiến lược của quan hệ song phương tại khu vực châu Á đang phát triển nhanh và năng động.
Nhiều thỏa thuận trên các lĩnh vực then chốt đã được đưa ra tại hội đàm giữa Thủ tướng Ấn Độ N.Modi và người đồng cấp Nhật Bản S.Abe. |
Kể từ khi thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược đặc biệt toàn cầu vào năm 2014, Nhật Bản và Ấn Độ đã cho thấy quyết tâm tăng cường liên kết bằng việc nhanh chóng thúc đẩy các hoạt động trao đổi, hợp tác về kinh tế với hàng loạt cam kết đầu tư và hỗ trợ tài chính. Chính phủ của Thủ tướng N.Modi đã khuyến khích đất nước Mặt trời mọc đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế ở khu vực Bắc và Đông Bắc Ấn Độ, vốn là khu vực chính trị nhạy cảm và vẫn còn nhiều thiếu thốn về cơ sở vật chất. Không chỉ giới hạn trong một vài lĩnh vực, mối quan hệ chiến lược dựa trên cơ sở hợp tác sâu rộng và toàn diện giữa hai quốc gia này còn được mở rộng sang hoạt động đối thoại và hợp tác chính trị, quốc phòng, công nghệ hiện đại, giáo dục, giao thông, chống khủng bố…, tạo ra sự đa dạng, đan xen nhiều lợi ích.
Việc làm sâu sắc hơn mối quan hệ Nhật Bản - Ấn Độ là điều cần thiết trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp từ những nỗ lực thay đổi cán cân quyền lực tại khu vực, chính sách bảo hộ thương mại của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đến các nguy cơ an ninh phi truyền thống…
Dù là đồng minh quan trọng của xứ Cờ hoa, Nhật Bản vẫn cần tìm kiếm sự cân bằng chiến lược bằng việc cải thiện quan hệ với các nước khác ở khu vực, đặc biệt là Ấn Độ. Tokyo và New Delhi có sự tương đồng trong việc tăng cường hợp tác, kết nối chặt chẽ giữa các quốc gia châu Á, tạo ra sự kết hợp mạnh mẽ giữa chính sách “Hành động hướng Đông” của Thủ tướng N.Modi cũng như chiến lược “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương rộng mở và tự do” của Thủ tướng S.Abe.
Hiện thực hóa những triển vọng hợp tác chiến lược và rộng mở đúng với tinh thần của mối quan hệ Đối tác chiến lược đặc biệt toàn cầu, tại hội nghị lần này, hai bên tiếp tục đạt được hàng loạt thỏa thuận trên nhiều lĩnh vực then chốt. Nhật Bản cam kết cung cấp các khoản vay lãi suất thấp trị giá hơn 28 tỷ USD cho Ấn Độ, mở rộng hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp và công nghệ kỹ thuật số để đầu tư vào các dự án đường sắt, cơ sở hạ tầng, đồng thời nâng hạn mức của thỏa thuận hoán đổi tiền tệ mới lên mức kỷ lục 75 tỷ USD nhằm bình ổn tỷ giá hối đoái và thị trường vốn của nền kinh tế lớn thứ ba châu Á.
Đáng chú ý, hai nhà lãnh đạo tuyên bố khởi động các cuộc đối thoại 2+2 cấp Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng hai nước, nhất trí khởi động các cuộc thảo luận hướng tới một thỏa thuận cho phép quân đội hai bên chia sẻ nguồn tiếp tế quân sự như khí tài và xăng dầu.
Thủ tướng Ấn Độ N.Modi từng tuyên bố, Nhật Bản là đối tác “tự nhiên và không thể thiếu” của quốc gia Nam Á này trong quá trình tìm kiếm sự ổn định, hòa bình ở châu Á, bao gồm cả Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Sự bổ sung thế mạnh kinh tế và kết hợp giữa các chính sách hài hòa đang mang lại luồng sinh khí mới cùng những tác động tích cực tới đà phục hồi, tăng trưởng kinh tế của châu lục. Bởi vậy, việc hợp tác chặt chẽ hơn không chỉ mang ý nghĩa chiến lược cho quan hệ song phương Nhật Bản - Ấn Độ mà còn đóng vai trò không thể thiếu trong việc biến thế kỷ XXI thành thế kỷ của châu Á.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.