Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hiến tạng - Cam kết đem lại sự sống cho những người ở lại

Theo Việt Nam plus| 14/02/2016 11:37

Mỗi tấm lòng cho đi, một cuộc đời ở lại – đây là thông điệp của những tấm lòng cao cả, quyết định hiến tạng sau khi chết, chết não cho những người đang mong chờ nối lại sự sống nhờ sự hiến tặng của những người khác.

Hoàng Nhã Phương (phải) - cô sinh viên năm thứ 4 của Học viện Quân Y, vui vẻ và hồ hởi tham gia đăng ký hiến tạng. (Ảnh: PV/Vietnam+)


Và những hành động cao cả ấy đang ngày càng được nhân rộng trong xã hội khi có hàng nghìn tấm lòng thiện nguyện đã cam kết hồi sinh sự sống cho những người khác.

Sẵn sàng trao yêu thương


Tại ngày hội Chung tay vì sự sống 2015, rất nhiều các bạn trẻ ở lứa tuổi đôi mươi đã không một chút ngần ngại và do dự khi ký vào tờ đăng ký tham gia hiến tạng sau khi qua đời/chết não. Với họ, một suy nghĩ rất đơn giản mà cao cả, là khi còn sống thì sống hết mình và khi ra đi có thể cứu vớt, mang lại hạnh phúc cho người khác.

Hoàng Nhã Phương - cô sinh viên năm thứ 4 của Học viện Quân Y, rất vui vẻ và hồ hởi đến đăng ký hiến tạng trong ngày hội Chung tay vì sự sống 2015.

Không một chút ngần ngại, trong bộ quân phục màu xanh quân y, Nhã Phương (Gia Lâm, Hà Nội) tâm sự, cô đưa ra quyết định này không chút do dự bởi trong nhà trường đã được các thầy cô nói rất nhiều về vấn đề hiến tạng, mô cứu sống nhiều người khác, nên tư tưởng và quyết định của cô đưa ra rất thoải mái, không chút đắn đo.

“Giả sử nếu gặp phải hoàn cảnh không may chết não thì mình có thể hiến tặng mô, tạng cho những người bệnh đang từng ngày cần. Lúc đầu em thấy cũng hơi ngại, nhưng nghĩ là hoạt động có ý nghĩa nên cứ đăng ký,” Phương tươi cười.

Rất nhiều các bạn trẻ ký vào tờ đăng ký tham gia hiến tạng sau khi qua đời/chết não. (Ảnh: PV/Vietnam+)


Vừa ký xong vào tờ giấy đăng ký hiến tạng sau khi qua đời, ông Nguyễn Trần Văn, 40 tuổi, ở Thanh Xuân (Hà Nội) cho hay, đây là nguyện vọng ông ấp ủ từ thời sinh viên nhưng đến bây giờ mới có cơ hội thực hiện.

“Tôi mong muốn muốn hoạt động này được tuyên truyên sâu rộng hơn đến tận khu dân cư để người dân hiểu và ủng hộ hoạt động có ý nghĩa này. Biết bao nhiêu nhiêu người đang hằng ngày cần tạng để có thể duy trì sự sống. Trong khi đó, với những người sau khi mất đi, nguồn tạng lành lặn mà bị hỏa thiêu hay đem chôn thì khá lãng phí, chi bằng ta đem lại sự sống cho những người ở lại”, ông Văn chia sẻ.

Hàng chục nghìn người chờ “hồi sinh”

Theo thông tin từ Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người, hiện ở Việt Nam có hàng chục nghìn người đang cần ghép mô, tạng để duy trì sự sống, song chưa thể thực hiện được vì không có đủ nguồn mô, tạng để ghép.

Nhu cầu ghép tạng ở Việt Nam rất lớn, có hơn 6.000 người suy thận đang chờ ghép, hơn 300.000 người mù đang chờ ghép giác mạc, số người chờ ghép tim là hơn 1.500 người. Những người bệnh ấy mỗi ngày vẫn đang phải giành giật sự sống với tử thần và tử vong bất cứ lúc nào nếu không có nguồn tạng hiến…

Các bác sỹ của Bệnh viện Việt Đức thực hiện một ca ghép tạng. (Nguồn: Bệnh viện Việt Đức cung cấp)


Theo thống kê của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, mỗi năm có khoảng hơn 10.000 người chết vì tai nạn giao thông. Mỗi ngày, tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, có từ 2 đến 3 bệnh nhân chết não có thể hiến tạng. Tuy nhiên, trong 5 năm qua, chỉ có gần 30 trường hợp hiến tạng.

Giáo sư Trịnh Hồng Sơn - Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia cho biết, thời gian qua, những ca ghép mô, tạng từ người chết não, ngừng tim, hiến tạng đã mở ra một hướng đi đúng đắn, đem lại sự sống cho nhiều người. Tuy nhiên, số lượng các ca ghép mô, tạng ở Việt Nam còn rất khiêm tốn.

Tại Việt Nam đã tiến hành khoảng hơn 1.000 ca ghép thận, hơn 30 ca ghép gan, 11 ca ghép tim, hơn 1.000 ca ghép giác mạc, trong khi đó, nhu cầu người bệnh chờ được ghép là rất lớn.

Ông Nguyễn Hoàng Phúc - Phó Giám đốc Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người cho biết, từ năm 2006 đến 2013 khi chưa có luật hiến, lấy, ghép bộ phận cơ thể người thì số lượng người đăng ký còn hạn chế nhưng từ khi có luật đến nay đã có hơn 2.000 người đăng ký hiến tạng sau khi chết não.

Giáo sư Trịnh Hồng Sơn - Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia. (Ảnh: PV/Vietnam+)


Từ năm 2006 đến nay cả nước có hơn 1.000 trường hợp được ghép mô, tạng, trong đó nguồn mô, tạng chủ yếu từ người đang sống - người thân hiến một quả thận, một phần gan; nguồn tạng từ người cho chết não rất ít. Trong khi, một người chết não hiến tặng có thể cứu sống cho hơn 10 người khác từ tim, gan, thận, giác mạc, phổi.

Nhiều người bệnh đang kỳ vọng, trông chờ sự hồi sinh từ những món quà trao tặng sự sống của cả cộng đồng thông qua việc đăng ký và hiến tạng sau khi qua đời như hôm nay.

Những người đã đăng ký hiến tạng với một nghĩa cử đầy nhân văn. Với những tấm lòng ấy, họ khi sống để yêu thương, ngay cả khi ra đi cũng có thể làm điều tốt, sống có ý nghĩa, khi chết cũng có ý nghĩa - trái tim, tấm lòng của họ vẫn còn sống trong những người ở lại./. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hiến tạng - Cam kết đem lại sự sống cho những người ở lại

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.