(HNMCT) - Tuần trước tôi có việc phải vào Hà Đông. Đã lâu không đi, cứ ngỡ tuyến đường Nguyễn Trãi đã trật tự, thông thoáng sau mấy tháng được tổ chức thí điểm phân làn, thế nhưng... Mặc dù có giải phân cách mềm, biển chỉ dẫn rất rõ song vẫn có rất nhiều xe máy đi vào làn đường dành cho ô tô. Ở những đoạn không đặt giải phân cách thì vẫn có không ít bác tài điều khiển xe "bốn bánh” chạy trong làn dành cho xe “hai bánh”. Cũng không thấy ai bị nhắc nhở, xử phạt gì (hay có thể họ sẽ bị phạt nguội chăng?). Nhìn chung tuy không còn cảnh ùn tắc nghiêm trọng nhưng giao thông vẫn hết sức lộn xộn.
Được tổ chức, sắp xếp hẳn hoi mà còn thế, vậy ở những đường phố khác chưa thực hiện phân làn thì tệ đến mức nào? Hẳn nhiều người sẽ đồng tình với nhận định rằng, trên hầu khắp các đường phố Thủ đô đều có tình trạng lộn xộn, thậm chí hỗn loạn, nhất là vào giờ cao điểm, bởi “căn bệnh” đi sai làn đường có thể nói là “thâm căn cố đế” của không ít người. Cảnh tượng xe máy đua nhau “phi” vào làn ô tô và ngược lại, ô tô (nhất là taxi, xe chở khách “công nghệ” biển vàng) len lỏi ở làn bên phải sát lề đường (làn dành cho xe máy và phương tiện thô sơ) lâu nay đã được coi là “chuyện thường ngày” ở Hà Nội.
Không chỉ ở nội đô, “bệnh” đi sai làn đường còn khá phổ biến trên các tuyến quốc lộ, đường cao tốc. Mới đây, trên một diễn đàn ô tô uy tín có tới hàng trăm nghìn thành viên đã có một bài đăng khá dí dỏm, đại ý rằng các thầy dạy lái xe nên chú trọng dạy học trò đi đúng làn đường tương ứng với tốc độ của phương tiện, chứ ai lại trên đường cao tốc mà “cứ như rùa bò”, đã thế lại nghễu nghện ở làn ngoài cùng (có tốc độ cao nhất), thì không những gây ức chế cho các tài xế chạy sau mà còn dễ gây ra ùn ứ, thậm chí có nguy cơ xảy ra tai nạn.
Thực tế giao thông ở Hà Nội cho thấy, một trong những nguyên nhân quan trọng gây ùn tắc, va chạm giao thông là do có quá nhiều người điều khiển phương tiện đi sai làn đường. Và như một cây bút văn hóa đã viết: Đành rằng hạ tầng đô thị quá tải, nhưng lẽ ra giao thông đã không tệ đến thế nếu như mọi người đều có ý thức và ứng xử văn hóa khi tham gia giao thông. Bởi ai cũng muốn nhanh cho mình, đổ chậm cho người khác nên tất cả cùng bị chậm, và đáng buồn là không ai thấy áy náy, xấu hổ cả!
Tôi đã có dịp đến Đài Loan (Trung Quốc) và nhận thấy hòn đảo này có khá nhiều điểm tương đồng với Việt Nam. Diện tích chỉ bằng khoảng 1/10 diện tích nước ta nhưng dân số Đài Loan xấp xỉ 24 triệu người, tập trung chủ yếu ở khu vực đô thị (gần 80%). Điểm đặc biệt là ngoài nhiều ô tô thì ở các thành phố lớn cũng có rất nhiều mô tô, xe máy. Tất nhiên là hạ tầng giao thông của họ tốt hơn ta (Đài Loan từng là một trong “bốn con rồng châu Á” về phát triển kinh tế), nhưng có một điều mà nhiều người Việt không thể không trầm trồ ngưỡng mộ khi "mục sở thị" ý thức, văn hóa giao thông của người dân hòn đảo này. Mật độ dân cư lớn, lại lắm phương tiện giao thông nên đường phố ở Đài Bắc, Cao Hùng... vào giờ cao điểm cũng khó tránh khỏi ùn ứ, tuy nhiên làn nào vẫn ra làn nấy. Ô tô, xe máy lũ lượt xếp hàng nghiêm ngắn trên đúng làn đường của mình, cho dù làn bên cạnh thông thoáng thì cũng không thấy phương tiện nào len sang “điền vào chỗ trống” - điều rất dễ bắt gặp ở ta.
Làm thế nào để giao thông tại Hà Nội cũng như các thành phố lớn ở nước ta đi vào quy củ, nền nếp? Câu hỏi này có lẽ chỉ các ngành chức năng mới trả lời được thấu đáo. Tuy nhiên, cho dù chúng ta có rất nhiều nỗ lực trong phát triển hạ tầng đô thị nhưng nếu văn hóa giao thông chưa “bén rễ” trong tư duy cũng như hành xử của các cá nhân và cộng đồng, thì vấn nạn ùn tắc, mất trật tự an toàn giao thông chưa thể cải thiện. Nói cách khác, cho dù đô thị có phát triển hiện đại đến mấy nhưng nếu vẫn còn có những cư dân thiếu ý thức văn hóa thì chưa thể gọi là văn minh. Vì thế, bên cạnh những giải pháp chuyên môn, kỹ thuật và tuyên truyền, giáo dục thì phải xử phạt thật nghiêm những hành vi cố ý đi sai làn đường.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.