Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hiểm họa với nòi giống

Đan Nhiễm| 09/04/2016 07:00

(HNM) - Hôm qua, hai thông tin về an toàn thực phẩm (ATTP) được chú ý là việc phát hiện dưa muối ở một số chợ dân sinh của Đà Nẵng


Trước đó một ngày, thông tin hàng chục mẫu thịt bò giả được phát hiện ở Hà Nội, nối dài danh sách những sự việc mất ATTP bị phát hiện... Điều đó cho thấy, thực phẩm "bẩn" đã không còn là mối lo ngại, thực sự là hiểm họa đối với sức khỏe người dân và nòi giống dân tộc.

Dù có vùng nông thôn rộng lớn nhưng đến nay Hà Nội mới tự đáp ứng được 60% lượng thực phẩm từ gia súc, gia cầm cho tới rau xanh, còn lại phải nhập từ các tỉnh, thành phố khác hoặc nhập khẩu. Từ đây cũng bộc lộ vấn đề hiệu quả quản lý nhà nước về ATTP từ khâu sản xuất đến bàn ăn còn quá nhiều yếu kém. Lý do chính được đưa ra thường là thiếu nhân lực, kinh phí và chồng chéo trong thực thi nhiệm vụ...

Trong khi đó, một bộ phận tư thương, người dân vì hám lợi, bất chấp sức khỏe của cộng đồng đã cho gia súc, gia cầm "ngậm" hóa chất cấm; các loại rau "tắm" trong thuốc bảo vệ thực vật quá mức… Vì nhiều lý do khác nhau, cộng đồng cũng không có điều kiện thẩm định đâu là thực phẩm an toàn, đâu không an toàn. Tóm lại, thị trường thực phẩm hiện đưa người tiêu dùng trong mớ hỗn mang giữa "sạch" và "bẩn", không biết đâu mà lần. Vậy, giải pháp nào cho vấn đề trên; lời giải cho bữa cơm "sạch" của mỗi gia đình trở thành hiện thực là gì?

Để chống lại nạn buôn bán, sản xuất thực phẩm "bẩn", mới đây, Bộ luật Hình sự (sửa đổi) được Quốc hội thông qua sẽ bắt đầu có hiệu lực từ 1-7-2016, quy định cụ thể việc phạt tù người sản xuất, kinh doanh thực phẩm "bẩn" - việc trước đây rất khó khăn đối với các cơ quan tư pháp khi phải chứng minh hành vi "có lỗi" của các tổ chức, cá nhân vi phạm. Đây được xem là chế tài nghiêm khắc nhất để xử lý những hành vi đầu độc cộng đồng một cách có chủ ý.

Cùng với đó, Chính phủ cũng đã đồng ý từ ngày 15-11-2015, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh sẽ chính thức thí điểm triển khai thanh tra chuyên ngành ATTP 5 quận, huyện và 10 xã, phường trong 1 năm. Riêng với Hà Nội, thành phố dự kiến tăng cường 100 thanh tra chuyên ngành về ATTP. Như vậy, mỗi xã, phường có 4-5 cán bộ và mỗi quận, huyện có 8-10 cán bộ thanh tra chuyên ngành về ATTP. Lực lượng "cắm chốt" ngay từ cấp cơ sở này có nhiệm vụ ngăn chặn từ gốc những nguy cơ có thể dẫn đến mất ATTP từ khâu sản xuất, tập kết nguyên liệu, chế biến đến thực phẩm thành phẩm bày bán ra thị trường… Điều đáng chú ý, lực lượng này sẽ được giao toàn quyền thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, xử phạt các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm trên địa bàn. Đây được cho là cơ chế "thoáng" nhất được giao cho một cấp quản lý ở cơ sở.

Có thể nói, với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị; chế tài xử lý vi phạm nghiêm khắc, tình hình mất ATTP sẽ có sự chuyển biến tích cực. Nhưng về sâu xa, công tác tuyên truyền để người kinh doanh "nói không với thực phẩm bẩn"; các bà nội trợ có thể tiếp cận các phương pháp nhận biết thực phẩm an toàn một cách nhanh, rẻ; người chăn nuôi, trồng trọt "nói không với hóa chất cấm"… cần phải được đặt lên hàng đầu. Mặt khác, những hành vi tiếp tay cho thực phẩm "bẩn" tuồn ra thị trường (người vận chuyển, đại lý cung cấp…) phải bị xử lý nghiêm như: Tịch thu phương tiện hành nghề, thu hồi giấy phép kinh doanh… cũng cần được tính đến.

Nói cách khác, vấn đề ATTP phải là công việc thường xuyên, liên tục chứ không chỉ là kỳ cuộc, "đẩy" lên trong những chiến dịch ra quân rầm rộ rồi sau đó nhanh chóng "xẹp" xuống với lý do thiếu nhân lực, kinh phí. Sâu xa hơn, như Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam từng bày tỏ "phải nói không với văn hóa kiếm tiền bằng cách người Việt đầu độc chính người Việt".

Rõ ràng, để ATTP không còn là nỗi ám ảnh với mọi gia đình, chỉ có sống mà nghĩ đến người khác, nghĩ cho người khác, thì bản thân mình mới được an toàn. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hiểm họa với nòi giống

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.