Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hiểm họa từ tiết canh lợn: Liệt tứ chi, động kinh, co giật

Tri Thường| 18/06/2012 15:51

Ths. BS. Đỗ Trung Dũng, Trưởng khoa Ký sinh trùng (Viện Sốt rét và ký sinh trùng TƯ) cho biết, tháng nào Viện cũng tiếp nhận vài chục bệnh nhân điều trị nhiễm ấu trùng sán lợn.


Nhiều bệnh nhân nặng nhập viện trong tình trạng liệt tứ chi, động kinh, co giật...

Thói quen ăn tiết canh có thể để lại nhiều hậu quả nặng nề cho sức khỏe. Ảnh minh họa


Sán bò vào mắt và não

Cách đây vài ngày, tại Viện Sốt rét và ký sinh trùng TƯ cấp cứu một bệnh nhân 32 tuổi, ở Bắc Giang. Bệnh nhân cho hay, sau ba ngày ăn tiết canh, tự nhiên mắt sưng to, ngứa dữ dội, nhỏ thuốc mắt không thấy đỡ. Sau đó, ở rìa mắt nổi lên một cục u, lúc to, lúc nhỏ. Đến bệnh viện khám, bác sĩ chấn đoán u sán ở kết mạc vùng hốc mắt. Khối u có lúc sưng to, lúc xẹp xuống do sán chui ra ngoài nang nằm trên kết mạc. Bệnh nhân phải phẫu thuật để lấy con sán ra.

Một bệnh nhân khác, tên N.Đ (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) kể, một dạo anh thấy đau đầu, dưới da nổi lên những u nhỏ như hạt lạc, sờ vào có thể cảm nhận được những sợi nhỏ li ti. Anh thường xuyên chóng mặt, buồn nôn, mất ngủ, trí nhớ bị giảm sút. Đi khám bác sĩ kết luận nhầm là suy nhược thần kinh và được kê đơn thuốc. Tuy nhiên về uống thuốc mãi không khỏi, do nghi ngờ vì thói quen ăn tiết canh lợn, anh N.Đ đã tới Viện Sốt rét và ký sinh trùng TƯ, được chẩn đoán là có ấu trùng trong não.

Bệnh nhân T.T.H, 42 tuổi, ở Thanh Hóa cho hay, khi chụp cắt lớp bác sỹ phát hiện chị bị ấu trùng sán lợn. “Nhà tôi có thói quen ăn nem thính, thường là dùng thịt lợn chần qua nước sôi, thái mỏng, bóp gia vị hành tỏi đầy đủ và trộn thính. Đàn ông thường rất thích món này nhắm rượu... Không ngờ thói quen này lại hại sức khỏe”, bệnh nhân kể.

Một số địa phương như Bắc Giang, Tuyên Quang, Thanh Hóa, Nghệ An có rất nhiều bệnh nhân bị mắc bệnh vì nhiễm sán lợn.

Để phòng bệnh sán lợn người dân cần giữ vệ sinh cá nhân sạch sẽ, tránh tiếp xúc với môi trường đất, cần rửa sạch tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.

Nếu có biểu hiện đau đầu, giảm trí nhớ, động kinh, liệt nửa người hoặc xuất hiện các u nhỏ bằng hạt lạc dưới da thì nên đi khám, chụp cộng hưởng từ hoặc CT não để được phát hiện và điều trị sớm


Ths.BS Đỗ Trung Dũng

Sán ký sinh trên các cơ

Theo PGS.TS Lê Xuân Hùng, Phó Viện trưởng Viện Sốt rét và ký sinh trùng TƯ, bệnh nhân mắc ấu trùng sán lợn có lúc chiếm tới 70 - 80% số người điều trị tại phòng khám của Viện. Việt Nam là vùng khí hậu nhiệt đới, độ ẩm không khí cao nên bệnh giun sán dễ lan truyền.

Bệnh ấu trùng sán lợn trên não là bệnh do ấu trùng sán lợn cư trú và gây tổn thương tại não. Bệnh lưu hành trong các vùng dân cư có mức sống thấp, điều kiện vệ sinh môi trường kém, sử dụng một số thức ăn chưa được nấu chín, nhất là ăn phải nang sán nằm trong thịt lợn gạo.

Ths.BS Đỗ Trung Dũng cho biết, nhiễm trùng sán lợn không chỉ do ăn tiết canh mà có thể ăn cả thịt nấu chưa chín, thịt của lợn bệnh hoặc nhiễm sán khi tiếp xúc với nó. Sán dây đẻ trứng, khi ăn vào có thể sống trong cơ thể. Người ăn thịt sống, uống nước lã, nem chạo… có thể bị nhiễm loại sán này.

Ấu trùng sán lợn vào người khi người ăn thức ăn, nước uống và tay bẩn có nhiễm trùng sán lợn. Trứng sán vào đường tiêu hóa, dưới tác dụng của dạ dày phát triển thành ấu trùng sán chui qua thành ruột, vào vòng tuần hoàn rồi tới cư trú ở các cơ quan quan trọng của cơ thể. Có khi người ăn phải thịt lợn có ấu trùng sán vào ruột phát triển thành sán trưởng thành ký sinh trong ruột non. Hằng ngày các đốt sán già của sán dây trưởng thành rụng ra khỏi thân có kèm theo sán dây. Vì lí do nào đó, người bệnh nôn ọe dẫn tới những đốt sán già theo nhu động ngược bất thường của ruột non trào ngược lên dạ dày, trứng sán thoát ra khỏi đốt sán tới tá tràng, ruột, ấu trùng thoát ra khỏi trứng xâm nhập vào vòng tuần hoàn.

Theo Ths.BS Dũng, ăn tiết canh đặc biệt là tiết canh lợn rất nguy hiểm. Mặc dù giun sán đã từng phát dịch ở Thanh Hóa, Sơn La nhưng thói quen mất vệ sinh như ăn tiết canh vẫn rất phổ biến.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hiểm họa từ tiết canh lợn: Liệt tứ chi, động kinh, co giật

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.