(HNMO)- Đó là phát biểu của Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường tại phiên trả lời chất vấn chiều 11-6.
Bộ trưởng Hà Hùng Cường cũng sẽ làm rõ thêm về việc triển khai Nghị quyết số 67/2013/QH13 của Quốc hội về việc tăng cường công tác triển khai thi hành Luật, Pháp lệnh, Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội và ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành; việc thẩm định để đảm bảo tính thống nhất của hệ thống văn bản pháp luật đối với các dự án Luật, Pháp lệnh, Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Nghị định của Chính phủ từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII đến nay…
Bộ trưởng Hà Hùng Cường |
ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) chất vấn đầu tiên, nêu dư luận phản ánh hiện tượng cài đặt lợi ích nhóm, lợi ích riêng của bộ ngành trong một số văn bản quy phạm pháp luật.
Bày tỏ quan điểm của mình về vấn đề này, Bộ trưởng Cường cho rằng hiện nay theo Luật Ban hành văn bản pháp luật, Bộ được giao thẩm định các loại văn bản từ quyết định của Thủ tướng Chính phủ trở lên, còn lại thông tư và thông tư liên tịch của các Bộ được giao cho pháp chế của các Bộ thẩm định.
Với chức năng nhiệm vụ được giao, Bộ Tư pháp có trách nhiệm kiểm tra các văn bản của các bộ và cơ quan ngang bộ. Trong quá trình hậu kiểm này, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ chưa phải là vấn đề nổi lên.
Trả lời chất vấn của ĐB Trần Du Lịch (TP.HCM), Bộ trưởng Cường nhận định hiện nay hệ thống pháp luật của nước ta phức tạp nhất thế giới với nhiều chủ thể được ban hành văn bản quy phạm pháp luật, từ chủ tịch xã; với nhiều loại văn bản của một chủ thể, dưới những tên gọi khác nhau.
Bộ trưởng Hà Hùng Cường nhận khuyết điểm khi “để chỗ này chỗ khác có sự chồng chéo”.
ĐB Nguyễn Thái Học (Phú Yên) đề cập đến vấn đề luật ban hành chậm đi vào cuộc sống. Cho đến ngày 5-6, số văn bản nợ đọng là 50. Như vậy, không những giảm mà cò tăng so với báo cáo của Chính phủ vào kỳ họp thứ 6.
Bộ trưởng Cường cho rằng số nợ như vậy chiếm 19,9% so với số văn bản phải ban hành. Chính phủ rất kiên quyết, quyết liệt để chấn chỉnh việc nợ văn bản. Một số bộ ngành đã hứa quyết tâm không để nợ, như Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Tới đây có những chế tài cụ thể hơn, hướng tới kỷ cương, kỷ luật tốt hơn.
Trước giờ giải lao, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cho biết có 2 ĐB tiếp tục nêu lại chất vấn vì chưa thỏa mãn với phần trả lời của Bộ trưởng. Do đó Chủ tịch QH yêu cầu Bộ trưởng Hà Hùng Cường phải trả lời ngắn gọn hơn, đi trực tiếp vào vấn đề.
ĐB Kim Thúy tái chất vấn về vấn đề lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ. Bộ trưởng Hà Hùng Cường khẳng định đúng là có chuyện khi xây dựng luật , pháp lệnh một số cơ quan mong muốn cài tổ chức bộ máy vào đó. Chính phủ ra yêu cầu giữa nhiệm kỳ XI của QH là tất cả những luật, pháp lệnh về nguyên tắc không có sự đồng ý của Bộ Chính trị không đưa bộ máy tổ chức vào. Do đó, nếu có thì cũng là được cơ quan thẩm quyền quyết định.
ĐB Trần Du Lịch hỏi lại để làm rõ về trách nhiệm và vai trò của Bộ Tư pháp trong thẩm định các luật trình ra QH. Bộ trưởng Cường thông tin: đối với những dự án luật, dự án pháp lệnh quan trọng, đều thành lập hội đồng liên ngành, có cả chuyên gia tham gia để bảo đảm khách quan.
Trả lời chất vấn của ĐB Bùi Văn Xuyền (Thái Bình) về trách nhiệm của Bộ Tư pháp trong đào tạo cán bộ tư pháp Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho biết bắt đầu từ năm 1986, Việt Nam mới đào tạo cử nhân luật. Với trách nhiệm một phần của Bộ Tư pháp, Bộ rất quan tâm đến công tác đào tạo nguồn nhân lực để bù đắp lại những thiếu hụt, có đội ngũ thực thi pháp luật, chính sách của Đảng và Nhà nước.
“Nguồn nhân lực về pháp luật của chúng ta chưa đáp ứng được nhu cầu hiện nay, dẫn đến trong xây dựng pháp luật còn nhiều hạn chế bất cập, đặc biệt trong tổ chức thi hành pháp luật” – Bộ trưởng thẳng thắn thừa nhận.
ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải phòng) nêu trong năm 2013, thi hành án dân sự chưa đạt chỉ tiêu do QH giao, án tồn đọng còn 239.144 vụ việc. Việc thực hiện một số chỉ tiêu khác theo Nghị quyết của QH vẫn chưa đạt yêu cầu.
Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho biết một số chỉ tiêu của Nghị quyết rất khắc nghiệt như thi hành án bảo đảm thời gian 100%. Năm 2013 chưa đạt chỉ tiêu QH giao cả về việc và tiền. QH cũng giao chỉ tiêu phân loại án bảo đảm chính xác, có điều kiện thi hành và không có điều kiện thi hành. Rõ ràng năm 2013 phân loại án tiến bộ hơn.
Chuyển án từ kỳ này sang kỳ khác cao hơn năm 2012, Bộ trưởng đồng tình và giải thích “án tồn đọng” là vấn đề rất dai dẳng của thi hành án dân dự. Số chuyển từ năm 2013 sang 2014 là 240.000 việc, giảm hơn 100.000 việc cho thấy sự cố gắng lớn.
“Theo nhận định của nhiều chuyên gia, trong nhiều trường hợp do những hạn chế, yếu kém, thậm chí là tiêu cực ở khâu thực thi pháp luật, Bộ trưởng có quan điểm như thế nào về nhận định này” – ĐB Trần Ngọc Vinh hỏi. Bộ trưởng nêu vắn tắt việc thực thi pháp luật bắt đầu từ phổ biến pháp luật, sự gương mẫu của công chức, đảng viên; việc xử lý nghiêm minh, cán cân công lý của tòa án… Sứ mệnh của QH khóa XIII với Hiến pháp sửa đổi phải cơ bản xây dựng xong hệ thống pháp luật.
ĐB Ngô Đức Mạnh (Bình Thuận) muốn Bộ trưởng đánh giá về trình độ năng lực của đội ngũ cán bộ tư pháp, luật gia, luật sư trong tư vấn pháp lý, tham gia tố tụng, tài phán quốc tế và kế hoạch tăng cường năng lực đội ngũ cán bộ tư pháp thời kỳ hội nhập quốc tế.
Bộ trưởng Cường nhận địn,h trình độ luật sư, luật gia của Việt Nam so với quốc tế là “bức tranh buồn”. Trong nhiệm kỳ này, Chính phủ giao nhiều nhiệm vụ cho Bộ Tư pháp và Bộ đã thành lập một trung tâm đào tạo luật sư hội nhập, liên kết với Hiệp hội Luật sư quốc tế, cố gắng có đội ngũ ngày càng đông hơn.
“Tôi chỉ liên đới chịu trách nhiệm, còn Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cũng phải có trách nhiệm trong việc đào tạo đội ngũ luật sư, luật gia cho đát nước” – Bộ trưởng Cường nói.
ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) nêu vấn nạn gây bức xúc trong nhân dân, DN trong nước và ngoài nước, ngoài tình trạng nợ đọng là “Hiến pháp thì luật tạo ra hành lang nhưng văn bản hướng dẫn đặt ra điều kiện, tạo ràn chắn và “bẫy” đối với DN và người dân. Để vượt qua phải chung chi, bôi trơn, xin cho, gây sự nhũng nhiễu, tiêu cực, vô hiệu hóa hành lang pháp lý”. Bộ trưởng Hà Hùng Cường xin phép sẽ kiểm tra cụ thể và gửi kết quả báo cáo với ĐB.
ĐB Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) phản ánh tình trạng nợ đọng văn bản hướng dẫn thi hành luật. Theo khảo sát có 312/1574 văn bản chưa bảo đảm về chất lượng, thiếu tính khả thi, không bảo đảm thống nhất, đồng bộ, thậm chí có dấu hiệu không hợp hiến, hợp pháp. “ĐB QH không thể yên tâm nhưng báo cáo của Chính phủ không kiểm điểm rõ trách nhiệm của người đứng đầu, hướng tháo gỡ chưa tích cực. Theo Bộ trưởng, sự chậm chễ, sai sót trên có ảnh hưởng như thế nào đến phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đến hiệu lực, hiệu qủa trong hoạt động lập hiến lập pháp của QH” – ĐB hỏi thẳng thắn.
Bộ trưởng Cường cho rằng văn bản ra chậm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích cụ thể của người dân. Những gì cụ thể về chế độ, chính sách, đặc biệt trong lĩnh vực người nghèo, người có công, thì Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đều quy định hồi tố để có thể chậm về thời gian nhưng không ảnh hưởng đến quyền lợi. Cũng có những văn bản ra chậm thì lại lợi cho người dân và DN
“Bộ Tư pháp, là thành viên của Chính phủ, đã thường xuyên kiểm tra đôn đốc, cảnh báo. Không có phiên họp CP nào không có báo cáo về vấn đề này. TT Chính phủ rất quan tâm và điểm danh từng vấn đề một. Còn bao giờ khắc phục, tôi không dám hứa vững chắc, chỉ khẳng định với quyết tâm cao nhất, từ nay đến cuối năm sẽ có nhiều tiến bộ” - Bộ trưởng khẳng định.
Cuối phiên chất vấn, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu tại phiên làm việc trong sáng mai (12-6), Bộ trưởng Hà Hùng Cường làm rõ hơn về 312 văn bản bản chưa bảo đảm về chất lượng, thiếu tính khả thi, không bảo đảm thống nhất, đồng bộ, thậm chí có dấu hiệu không hợp hiến, hợp pháp như ĐB nêu đã gây hậu họa gì chưa? “Nếu người ta căn cứ để tổ chức thực hiện thì gay go. Nếu không tổ chức thực hiện thì lại vi phạm pháp luật. Đây là vấn đề nghiêm trọng mà Bộ trưởng trả lời chưa kỹ” – Chủ tịch QH nhận định.
Nội dung này cũng nhận được hàng loạt chất vấn của các ĐB và sẽ được Bộ trưởng Cường trả lời trong thời gian 40 phút vào sáng mai.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.