(HNM) - Sau ảnh hưởng bởi khủng hoảng kinh tế, người ta đã nhắc nhiều đến những "cuộc giải cứu", từ cứu thị trường vốn, cứu doanh nghiệp hay bất động sản. Thế nhưng có một nhóm thành phần có vai trò quan trọng của nền kinh tế thì dường như ít được dư luận nhắc đến. Đó là những người lao động.
Số lao động đăng ký thất nghiệp năm 2011 lên đến 105.737 người, tăng gần gấp đôi so với năm 2010. Tại Hà Nội, theo thống kê của Trung tâm Giới thiệu việc làm, số lao động đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp trong quý I-2012 tiếp tục gia tăng với con số 4.667 người. Dự báo, riêng tháng 4 con số này có thể xấp xỉ 2.000 người, trong đó có tới 30% có trình độ đại học, cao đẳng. Còn tại TP Hồ Chí Minh, trong quý I-2012 có 28.988 người đăng ký thất nghiệp, quy ra tiền, bình quân mỗi tháng có 40 tỷ đồng được chi trả cho bảo hiểm thất nghiệp ở thành phố.
Có vài nguyên nhân khiến lượng người đăng ký thất nghiệp tăng vọt. Nhưng quan trọng nhất là do kinh tế khó khăn khiến nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm quy mô sản xuất, giải thể, thậm chí phá sản. Ba tháng đầu năm 2012 đã ghi nhận thêm gần 12.000 doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động. Đây là tín hiệu xấu của nền kinh tế và rõ ràng là một thách thức với thị trường lao động.
Thực tế cách đây mấy năm, khi bắt đầu tiến hành cổ phần hóa doanh nghiệp, các nhà quản lý đã đặt ra vấn đề quyền lợi của người lao động dôi dư. Sản xuất thu hẹp, hiện đại hóa công nghệ sẽ phát sinh mặt trái là giảm bớt số nhân công, lao động đơn giản. Nhưng lượng lao động bị tinh giản ấy sẽ làm gì, được làm gì lại là điều chưa nhận được sự quan tâm thích đáng. Cũng như bây giờ, người ta bàn nhiều đến chuyện cứu doanh nghiệp gặp khó khăn nhưng dường như ít quan tâm làm gì để cứu người lao động. Các quỹ giải quyết việc làm đang vắt sức để hỗ trợ các đối tượng gia đình chính sách, hộ cận nghèo, thanh niên lập nghiệp vay vốn, giải quyết việc làm… Nhưng chỉ ngần ấy cố gắng thì quá ít khi nguồn chính là đầu mối tạo việc làm ngày càng ít đi. Nhiều doanh nghiệp không chịu nổi mức lãi suất vẫn ngày một tăng lên để đầu tư cho công việc mới nên cũng hạn chế tuyển dụng.
Trong kinh tế thị trường, doanh nghiệp giải thể, phá sản, ngừng hoạt động là chuyện bình thường, đó cũng là một sự thanh lọc. Nhưng khi có nhiều doanh nghiệp cùng lúc ở vào tình cảnh khốn khó, những hệ lụy nó gây ra cho xã hội không phải là nhỏ. Bị nợ lương, nghỉ việc, nhưng người thất nghiệp vẫn phải chi phí sinh hoạt, cộng với số lượng của cải vật chất không được làm ra thêm sẽ làm gia tăng gánh nặng cho xã hội. Thiệt hại có thể lên tới con số rất nhiều tỷ đồng mỗi năm, đó là chưa kể tăng thất nghiệp cũng sẽ dễ dẫn đến tăng các tệ nạn xã hội.
Chính vì vậy, lúc này, cứu doanh nghiệp cũng đồng nghĩa là cứu thị trường lao động. Cần có các nghiên cứu khẩn trương về thực trạng hoạt động và khó khăn của các doanh nghiệp, đưa ra các giải pháp giải quyết nhanh các tồn tại. Thực hiện các kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp như giảm lãi suất cho vay, miễn giảm các sắc thuế... đồng thời cũng phải có những nghiên cứu nghiêm túc về thực trạng, đời sống người lao động thất nghiệp để có kế hoạch ứng phó toàn diện, lâu dài. Khi siết nguồn vốn của doanh nghiệp cũng nên cân nhắc đến quyền lợi của người lao động bị mất như thế nào. Có như vậy mới bảo đảm an sinh xã hội, ổn định thị trường lao động hiện nay.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.