Luận đàm thời sự

Hệ lụy của thời trước, thách thức với thời sau

Đại sứ Trần Đức Mậu 09/08/2024 - 07:26

Nước Anh đang trải qua những ngày hỗn loạn, bạo lực và mất an ninh. Đây được xem là làn sóng bạo loạn tồi tệ đến mức chưa từng thấy tại đất nước này kể từ sau cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ hai.

Công đảng Anh vừa trở lại cầm quyền và Chính phủ của Thủ tướng Keir Starmer vẫn còn rất non trẻ nhưng đã phải đối diện thử thách rất lớn về đối nội. Cũng có thể coi đây là trở ngại lớn đầu tiên mà ông Starmer và công đảng Anh phải vượt qua nếu như muốn có được nhiệm kỳ cầm quyền thành công và kéo dài...

Mạng xã hội đóng vai trò quyết định đối với chiều hướng và mức độ những diễn biến này. Khởi nguồn là vụ việc một chàng trai gốc Phi sinh ra, lớn lên ở Anh đâm chết 3 bé gái và làm bị thương hơn 10 người khác. Các đối tượng biểu tình cực hữu đã gây hỗn loạn và xô xát, bạo lực với cảnh sát Anh để thể hiện sự bất bình về chính sách của Chính phủ trong vấn đề người tị nạn và di cư. Nhưng từ khi trên mạng xã hội lan tràn thông tin sai trái cho rằng, thủ phạm là người tị nạn theo đạo Hồi thì biểu tình bùng phát ở nhiều thành phố lớn của Anh.

Làn sóng phản đối, bài xích và bạo lực không chỉ do các phần tử cực hữu gây ra mà còn của cả nhiều người Anh thuộc các độ tuổi khác nhau nhằm vào người theo đạo Hồi, người tị nạn và người không phải là người da trắng ở Anh. Đụng độ bạo lực dữ dội xảy ra giữa phe cực hữu và phía phản đối phe cực hữu cũng như giữa hai phe này với cảnh sát.

Thủ tướng Keir Starmer cho biết, Chính phủ Anh quyết tâm nhanh chóng vãn hồi an ninh và ổn định chính trị - xã hội, hành động mạnh tay và quyết liệt để trấn áp hỗn loạn và bạo lực. Chính phủ Anh đã huy động hơn 40.000 cảnh sát, tập hợp hơn 100 công chức dày dạn kinh nghiệm xử lý vấn đề và yêu cầu các cấp tòa án làm việc cả ngoài giờ để xét xử và kết án nhanh những kẻ bị cảnh sát bắt giữ nếu có tội.

Bản chất của tình trạng hỗn loạn và bạo lực ở nước Anh bây giờ đã biến dạng trở thành chuyện thù địch và bài xích người theo đạo Hồi, người tị nạn và người không phải là người da trắng trên đảo quốc. Gắn liền với đấy là sự trỗi dậy rất mạnh mẽ của các lực lượng cánh hữu, cực hữu, dân túy và dân tộc chủ nghĩa cực đoan. Công bằng và khách quan mà nói thì thảm trạng hiện tại ở nước Anh không phải là kết quả cầm quyền của ông Starmer và công đảng Anh mà là hậu quả của thời đảng Bảo thủ cầm quyền trước đấy.

Đảng này trong hơn 10 năm cầm quyền ở Anh không những không để ý, cũng như không ngăn cản sự trỗi dậy của các lực lượng cực hữu và dân túy, mà còn tạo bầu không khí chính trị - xã hội nội bộ thuận lợi cho các lực lượng này trỗi dậy bằng những chính sách kinh tế và xã hội khoét sâu khoảng cách giữa giàu và nghèo, giữa miền Bắc và miền Nam nước Anh; về mức độ phát triển kinh tế - xã hội; giữa người Anh và người nước ngoài, đặc biệt giữa người Anh và người theo đạo Hồi và người tị nạn. Để có được lá phiếu bầu của cử tri Anh, đảng Bảo thủ trong suốt thời gian cầm quyền đã chủ ý chơi con bài người tị nạn và di cư với những khẩu hiệu và bằng những phương cách đậm bản chất dân túy.

Thời điểm chuyển giao chính quyền ở Anh là thời điểm chính trị không còn kiểm soát được tình hình nữa. Cho nên, hệ lụy của thời trước trở thành thách thức đối với thời sau.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hệ lụy của thời trước, thách thức với thời sau

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.