Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hãy xem lại mình

Vũ Duy Thông| 09/07/2013 05:43

(HNM) - Vừa qua tại Hà Nội, Hiệp hội Cá nước lạnh tổ chức cuộc hội thảo với mục đích đưa ra lời cảnh báo, nếu không có biện pháp kiên quyết, chẳng bao lâu nữa, với 4.000 tấn cá tầm nhập vào Việt Nam mỗi năm, các nhà kinh doanh thủy sản Trung Quốc sẽ "bóp chết" nghề nuôi cá tầm của Việt Nam.

Lời kêu cứu cũng có lý. Nhiều lô cá tầm đã vào nước ta qua con đường nhập lậu, không phải nộp thuế, giá cá vì thế sẽ rẻ. Nhưng không phải các lô cá tầm đều nhập lậu. Vậy tại sao cá tầm Trung Quốc, ngoài chi phí sản xuất phải cộng thêm mức phí hàng nghìn ki lô mét vận chuyển, nhập kho xuất kho, thuế nhập khẩu mà vẫn rẻ hơn cá Việt Nam? Thì cứ cho cá tầm nước ngọt là loại thủy sản mới nhập nội, giá thành nuôi và chế biến còn cao. Nhưng còn nhiều loại thủy sản khác như cá chép, cá lóc, ếch, trai, tôm, cua… những thứ vốn được người dân nuôi, thả, cho sinh sản nhân tạo hàng vài chục năm nay sao giá vẫn cao hơn thủy sản Trung Quốc? Không chỉ vậy, nhiều thương lái Trung Quốc lặn lội vào tận các tỉnh phía Nam nước ta, nuôi trồng hoặc thu mua thủy sản mang về Trung Quốc bán. Đất ấy, nước ấy (cả nước mặn và nước ngọt), con người ấy, thị trường ấy lại phải mang về tận Trung Quốc tiêu thụ, sao họ vẫn lãi? Và không chỉ riêng thủy sản, gần như mọi thứ hàng hóa Trung Quốc, chất lượng có thứ tốt thứ xấu nhưng đều có giá bán rẻ hơn hàng Việt Nam. Và vì rẻ hơn hàng Việt Nam nên chiếm ưu thế mạnh hơn trong cạnh tranh. Đó là nguồn gốc của nạn buôn lậu ngày càng tăng, cho dù bị cấm.

Quy luật của thị trường, có cầu sẽ có cung, hàng hóa luôn tìm cách thâm nhập vào nơi buôn bán có lợi nhuận cao. Chống buôn lậu là cần thiết và còn phải tăng cường hơn nữa. Nhưng muốn chống buôn lậu có hiệu quả cao, ngoài việc chốt chặn, xử lý nghiêm đối tượng vi phạm còn cần tìm và hóa giải nguyên nhân sản sinh ra nó từ gốc. Nguồn gốc của nó là sự chênh lệch giá cả giữa hàng Trung Quốc và hàng Việt Nam. Chủ trương bảo vệ hàng trong nước là đúng nhưng cần xem việc bảo vệ có phải là buông lỏng quản lý, cưng chiều quá mức không, để các cơ sở sản xuất kinh doanh ỷ lại, không tăng cường quản lý, đầu tư kỹ thuật, nắm thông tin thị trường nhằm không ngừng hạ giá thành đồng thời nâng cao chất lượng sản phẩm. Bởi vì các loại hàng hóa có quy mô sản xuất lớn, đầu tư chuyển đổi kỹ thuật đắt đỏ đã đành, đến con cá, mớ rau, trái cây cũng chung cảnh giá thành cao, chất lượng thấp hơn thì phải nghiêm túc xem lại về phía mình. Có tự vươn lên trong cạnh tranh mới chống được buôn lậu. Từ khi ngành dệt may, rượu bia, lúa gạo… của ta vượt lên, có thấy người ta buôn lậu những mặt hàng này nữa đâu. Vậy thì không thể chỉ dựa dẫm, trông chờ ở sự bảo trợ, như chuyện cá tầm ở trên.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hãy xem lại mình

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.