Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hãy thôi nối giáo cho giặc!

Dục Tú| 29/07/2013 05:52

(HNM) - Mạng xã hội đang ngày càng tạo ra nhiều sự phiền toái, dù đó vẫn là công cụ giao tiếp đáng được thừa nhận, rõ sự cần thiết. Không đề cập những điều lớn lao, liên quan đến vận mệnh dân tộc, chỉ nói trong lĩnh vực văn hóa - thông tin đã thấy rõ điều trên. Phản cảm và tiêu tốn thời gian đã đành, công cụ lan truyền tin còn khiến nhiều báo mạng chính thống sa bẫy thông tin, chẳng khác nào "nối giáo cho giặc".


Tuần qua và tuần trước nữa, mạng xã hội rộ thông tin về một cô gái - về sắc là thường thường, về tài là… không rõ, "thường thôi" nên không dẫn tên cô trên chuyên mục này. Cô này làm có mỗi một việc là "thả rông" vùng nhạy cảm trên thân thể rồi chụp hình để đưa lên mạng. Vài ngày sau, cô gái nọ bỗng thành "nhân vật quan trọng", "nóng" đến nỗi có báo điện tử dành hẳn một mục cho cô gái nọ.

Cũng tuần qua, câu chuyện tuyển thủ bóng đá Công Vinh và vợ (một ca sĩ, diễn viên tầm tầm) giữ gìn hình ảnh con gái mới sinh chặt chẽ như với một nhân vật "vip" được nhắc lại trên báo điện tử - gần như cùng thời điểm với sự xuất hiện bộ ảnh "thoáng mát" của cô này với tựa đề "Vợ Công Vinh tung ảnh nóng trước ngày chồng lên đường sang Nhật"…

Những điều tương tự kể trên xuất hiện trong thời gian gần đây rất nhiều, ngày càng đậm đặc dưới "mũ" giải trí - một chuyên mục thường thấy trên các báo điện tử và một số trang cá nhân. Chuyện tưởng là nhỏ, nhưng xuất hiện với mật độ dày đặc nên sức chi phối, dẫn dắt hành vi, thói quen đọc, xem, nghĩ rất lớn. Bạn đọc tiếp nhận thông tin, hình ảnh xa lạ với nếp nghĩ và thói quen của mình một cách thường xuyên, rất dễ dẫn đến hệ quả là chấp nhận dạng thông tin đó. Đến lúc nào đó, sự tiếp nhận không còn ý nghĩa thụ động, mà dẫn dắt hành vi, làm suy giảm ý thức phản biện trước cái xấu. Người lớn mắng con trẻ hư hỏng, dễ dãi, chỉ thích tiền và muốn hưởng thụ, thử hỏi ai đang góp phần khiến chúng tiêm nhiễm lối nghĩ, lối sống không được hoan nghênh?

Thực tế là cơ quan quản lý cần tìm cách ngăn chặn lối thông tin vô trách nhiệm với cộng đồng, bắt đầu với những trang mạng sử dụng ngân sách nhà nước và lấy điểm đột phá từ những vụ "câu khách" phản cảm như đã nói ở trên. Việc "dọn dẹp" có thể được thực hiện bằng cách đề cao trách nhiệm của tác giả thông tin và người duyệt đăng thông qua chế tài cụ thể. Nhẹ thì phạt tiền, nặng thì hạ bậc quản lý, điều chuyển sang làm việc khác, có khi phải sa thải nếu có việc làm gây ảnh hưởng lớn cho xã hội…

Với việc chấn chỉnh nói trên, tất yếu sẽ có sự khó cản trở việc thực hiện. Khó nhất là về chế tài, hệ thống văn bản pháp quy thiếu hướng dẫn cụ thể cho việc xử lý vi phạm. Nhưng thiếu thì phải có trách nhiệm bổ sung, tìm ra giải pháp chứ không thể vì thiếu mà chấp nhận ngồi nhìn lớp trẻ ngày một "thoáng đãng" quá mức được nữa rồi. Trách nhiệm ấy, nếu không thuộc phần việc quản lý ngành văn hóa - thông tin thì thuộc về ai?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hãy thôi nối giáo cho giặc!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.