(HNM) - Chiều 5-11, anh Tuân ở Làng sinh viên Hacinco (quận Thanh Xuân) rủ bạn tên Phương đi ăn cơm “bụi” rồi mua cốc trà chanh, vừa đi vừa nói chuyện. Qua phố Ngụy Như Kon Tum, Phương vứt vỏ cốc nhựa vào thùng rác.
- Ông vứt đã đúng ngăn rác tái chế chưa? - anh Tuân hỏi.
- Ôi giời, quan tâm làm gì, mọi người có vứt đúng đâu. Đằng nào cũng có người nhặt ra để đi bán đồng nát - anh Phương đáp.
- Thế thì nói làm gì. Ai cũng như ông thì làm sao phân loại được rác tại nguồn - anh Tuân không đồng tình với bạn.
Tuy nhiên, anh Tuân cũng thấy rằng đây là thực trạng đang tồn tại ở các địa điểm đặt thùng phân loại rác tái chế và rác không tái chế, khi số người có ý thức thực hiện theo đúng quy định rất ít.
Kể chuyện với Người Xây Dựng, anh Tuân cho rằng, để thay đổi một thói quen, xây dựng nếp sống mới an toàn cho bản thân và cộng đồng cần trách nhiệm của nhiều tổ chức, cá nhân, trong đó tầng lớp thanh niên có kiến thức, có kỹ năng ứng xử xã hội hãy tiên phong thực hành những việc thiết thực để bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống từ những hành vi tưởng như rất nhỏ nhặt.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.