(HNM) - Bắt đầu từ ngày 1-3-2011 đã có nhiều mặt hàng tăng giá. Trong đó đáng quan tâm nhất là việc tăng giá điện bình quân thêm 15,28%. Dù vẫn biết đây là yêu cầu bắt buộc, song điện tăng giá đã gây khó khăn cho một số ngành sản xuất và làm nhiều mặt hàng khác tăng giá theo như sắt thép, xi măng…
Tương tự như vậy, việc tăng giá xăng trong tuần cuối của tháng 2-2011 cũng khiến nhiều mặt hàng phải đội thêm chi phí, trong đó rõ nhất là cước phí vận tải dự kiến sẽ được điều chỉnh trong tháng 3, tăng từ 8 đến 15%. Cũng từ ngày 1-3, một số hãng sữa chính thức điều chỉnh giá sữa bột thêm từ 6% tới 20% do sức ép của tỷ giá và biến động của đồng USD. Rồi các hãng gas trong nước như Saigon Petro, Vinagas, Gia Đình gas... đã thông báo tăng thêm 750đ/kg gas (tương đương khoảng 9-10 nghìn đồng/ bình 12kg) từ 7h30 sáng 1-3...
Có lẽ không thể thống kê được hết những mặt hàng đã tăng giá hoặc chuẩn bị tăng giá trong thời điểm này. Một cơn "bão giá" đang có dấu hiệu hình thành và có tác động không nhỏ tới đời sống xã hội. Sinh viên, người lao động và cán bộ, công nhân viên chức sống bằng đồng lương thì méo mặt vì giá thuê nhà trọ, giá thực phẩm sinh hoạt.... đang được thể "tát nước theo mưa". Ngay đến tờ báo trên tay người bán dạo cũng tăng giá với lý do viện dẫn giá xăng, giá ngoại tệ, giá điện... đều tăng huống hồ là giá báo (!) dù rằng vào thời điểm này chưa có cơ quan báo chí nào thông báo tăng giá ấn phẩm phát hành. Trong khi đó, từ ngày 1-5 tới tiền lương tối thiểu mới được điều chỉnh từ mức 730.000đ lên 830.000đ/tháng. Cuộc đua không cân sức giữa giá cả ngoài thị trường và đồng lương đã làm cho bữa cơm của từng gia đình eo hẹp hơn.
Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2-2011 tăng 2,09% và CPI của 2 tháng đầu năm 2011 tăng tổng cộng 3,79% so với thời điểm cuối năm 2010. Con số đó là rất đáng phải suy nghĩ khi mục tiêu lạm phát được Quốc hội phê duyệt cho cả năm 2011 là dưới 7%. Trước tình hình đó, ngày 24-2 Chính phủ đã ra Nghị quyết về 6 nhóm giải pháp để tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Thực hiện những giải pháp đó đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của các bộ, ngành, địa phương và từng người dân. Vào thời điểm này, vấn đề hàng đầu được xã hội đặc biệt quan tâm là việc kiểm soát thị trường của các cơ quan quản lý nhà nước và các cấp chính quyền. Những hành vi "tát nước theo mưa" tăng giá bất hợp lý, đầu cơ nguồn hàng nhằm thao túng thị trường cần phải bị xử lý nghiêm. Các biện pháp cụ thể và trách nhiệm của từng bộ, ngành và chính quyền các cấp đã được nêu rõ trong Nghị quyết của Chính phủ. Nếu các cơ quan quản lý nhà nước ráo riết thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình chắc chắn "bão giá" không có cơ hội hoành hành trong xã hội khi từng hành vi, từng đơn vị cụ thể có vi phạm đều bị xử lý nghiêm khắc, kịp thời. Theo chiều ngược lại nếu quản lý thiếu sâu sát, thiếu năng lực, luôn bị động, đuổi theo thị trường... thì sẽ gây nên những hậu quả khó lường cho xã hội khi mặt bằng giá tùy tiện biến động.
Bên cạnh đó, cũng có một vấn đề rất đáng phải suy nghĩ khi trong hơn 12 tỷ USD nhập siêu năm 2010 có đến gần một nửa được chi để nhập các mặt hàng xa xỉ như ô tô, điện thoại di động, đồ trang sức, mỹ phẩm... Rồi như tổ chức MasterCarrd Worldwide vừa công bố khảo sát tiêu dùng ở 24 quốc gia và vùng lãnh thổ thuộc châu Á - Thái Bình Dương, châu Phi và Trung Đông cho thấy, Việt Nam dẫn đầu với 86% số người được hỏi trả lời là ưu tiên số 1 cho việc ăn uống và giải trí. Trong khi đó, tỷ lệ này ở Hàn Quốc là 78% và Hồng Kông là 75%... Vậy nên, để kiềm chế lạm phát, ổn định nền kinh tế không chỉ cần có các giải pháp hợp lý mà còn cần sự vào cuộc của toàn xã hội, từ các cơ quan quản lý nhà nước, các đơn vị, doanh nghiệp cho tới hành động cụ thể của từng cá nhân trong xã hội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.