(HNM) - Thông tin một số sinh viên Trường ĐH Ngoại thương Hà Nội tham gia chương trình thực tập tại Singapore phản ánh việc bị bóc lột sức lao động, phân biệt đối xử… loan ra, lập tức thu hút được sự quan tâm của cộng đồng. Để rồi không ít người băn khoăn với nhận thức sai lệch của một số chủ nhân đất nước trong tương lai.
Trong thư phản ánh về Trường ĐH Ngoại thương, có sinh viên viết: Từ khi qua Singapore chúng em phải làm việc với một bảng phân công công việc rất thiếu khoa học và vô cùng mệt mỏi. Thời gian dành cho công việc thường xuyên đến 12 tiếng một ngày, hay thậm chí là hơn. Sau đó trở về nhà nằm nghỉ mà mệt phờ, đến ca làm tiếp theo lại lết người dậy đi làm. Công việc phần lớn của chúng em ở đây là đi đẩy xe lăn.... rất là mệt mỏi và nặng nhọc. Điều quan trọng là chúng em chưa từng nghĩ rằng đó lại là công việc chính của chúng em ở đây. Thậm chí, tụi em còn buộc phải giúp khách cởi quần đi…vệ sinh. Và: "Bọn em đến đây là để trải nghiệm công việc, trải nghiệm cuộc sống chứ không đến đây để làm việc đến kiệt sức rồi vài tiếng sau thức dậy lại bắt đầu ăn uống rồi chuẩn bị đi làm"…
Trước hết, mục đích đưa sinh viên sang Singapore là giúp họ có cơ hội tiếp cận với môi trường làm việc quốc tế, một môi trường hiện đại với kỷ luật lao động cao. Sinh viên có cơ hội thực hành ngoại ngữ và quan trọng hơn là được trải nghiệm cuộc sống tại nước ngoài, học tính tự lập và hòa đồng, làm việc theo nhóm. Thêm nữa, toàn bộ thông tin về chương trình thực tập, về nơi làm việc, công việc sẽ làm, các điều kiện, chế độ làm việc đã được thông báo rõ ràng. Sinh viên hoàn toàn tự nguyện và trực tiếp ký hợp đồng, hợp đồng cũng được phụ huynh ký xác nhận… Lãnh đạo Trường ĐH Ngoại thương Hà Nội khẳng định như vậy. Rõ ràng, các sinh viên Trường ĐH Ngoại thương Hà Nội tự nguyện đi thực tập, làm việc chứ không phải đi chơi, đi du lịch.
Công việc nặng nhọc, mệt mỏi nhưng đã đặt bút ký vào một bản hợp đồng, trước hết các bạn sinh viên cần tôn trọng những cam kết trong bản hợp đồng đó. Và dẫu thế nào thì đẩy xe lăn cũng là một công việc. Không có công việc nào là tầm thường, bất kỳ công việc nào cũng có vai trò trong cuộc sống. Có những công việc rất nhỏ nhưng không chỉ thử thách ý chí mà còn góp phần rèn luyện cho các bạn sinh viên thói quen làm việc chuyên nghiệp, có trách nhiệm với những điều mình làm. Ở nhiều nước phát triển, sinh viên đại học chuyên ngành quản lý khách sạn khi đi thực tập không chỉ lau sàn nhà, rửa ấm chén, mà còn dọn phòng, dọn nhà vệ sinh… Sinh viên Việt Nam không thể là trường hợp đặc biệt để cho rằng: chuyện nhỏ, không xứng. Không bắt đầu từ những công việc nhỏ, đơn giản, chắc chắn không thể có kinh nghiệm để làm những việc lớn, khó khăn và phức tạp.
Nếu một người không thể vượt qua được chính mình, không thể đứng vững trên chính đôi chân của mình, không có lòng bao dung và không ý thức được chính bản thân mình thì những khát vọng lớn sẽ bị đốt cháy trong "cái tôi" và sẽ sụp đổ. Các bạn sinh viên cần hiểu chúng ta đang sống trong một cộng đồng mà mỗi cá nhân là một thành tố tạo nên cộng đồng đó. Nếu ai đó cho rằng mình buộc phải giúp khách là những người khuyết tật đi… vệ sinh là không thể chấp nhận thì họ cần phải xem lại chính mình. Bởi lẽ như một nhà sư phạm nhận định: Ngay cả như ở đời sống thường ngày chúng ta hoàn toàn có thể giúp những người khuyết tật làm việc này. Nếu quả đúng là sinh viên có phải làm việc đó thật thì không có gì phải xấu hổ, nhất là khi mình được trả lương đàng hoàng…
Muốn gặt hái thành công phải tự học hỏi và trang bị bản lĩnh cho chính mình. Cần xác định những nhọc nhằn hôm nay là một phần trên con đường đi đến thành công trên thương trường trong tương lai. Hãy bắt đầu từ nhận thức đúng, biết trân trọng những gì mình đang có, hoàn thành tốt những gì đang làm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.