(HNM) - Đang là tháng đầu hè 2013, những ngày nghỉ ngơi của trẻ sau một năm chuyên tâm học hành. Đây cũng là lúc người lớn nghĩ chuyện giúp trẻ nghỉ ngơi có ích, nên chơi gì, xem gì... Nguyên tắc chung là kết hợp sự chơi với việc học một cách hài hòa. Mong muốn là vậy, bối cảnh chung của sự chơi đối với trẻ hiện tại có giúp các gia đình thỏa ước nguyện hay không?
Điều đầu tiên cần được khẳng định là đời sống tinh thần của trẻ em Việt Nam phong phú hơn trước rất nhiều. Sách thiếu nhi ê hề, mua đâu cũng có. Chương trình truyền hình chuyên biệt dành cho thiếu nhi, chương trình biểu diễn dành cho trẻ vào dịp hè không thiếu. Số trung tâm vui chơi ngoài trời cho trẻ nhỏ chưa đủ ở mức cần, nhưng cũng đã là phong phú hơn trước rất nhiều… Tuy thế, điều đáng bàn nằm ở chất lượng của những chương trình dành riêng cho trẻ, loại chương trình mà theo đánh giá của nhiều phụ huynh là được làm rất ẩu, có sự lặp lại về hình thức và nội dung, nhiều chương trình không phù hợp với độ tuổi thiếu nhi.
Môi trường giải trí của trẻ hiện còn nhiều yếu tố không phù hợp, có thể khiến chúng bị "ngộ độc". Thị trường đồ chơi "có vấn đề", chương trình biểu diễn, chương trình truyền hình nhìn chung là thiếu sự đổi mới, rất ít chương trình tốt như "Đồ Rê Mí". Sáng tác cho thiếu nhi, cả âm nhạc và văn học, đều có sự chững lại so với trước đây. Mới đầu hè mà đã có một số chuyện khiến người làm cha mẹ không hài lòng. Người ta lo ngại trước hiện tượng băng đĩa hình chương trình thiếu nhi được đựng trong vỏ đĩa có in hình "quảng cáo sex" - đã xuất hiện ở Thanh Hóa, TP Hồ Chí Minh… Sau một số chương trình tạp kỹ dành cho trẻ, diễn ra tại Hà Nội với sự tham gia biểu diễn của nhiều danh hài đang nổi như cồn, nhiều phụ huynh thất vọng vì con họ phải chứng kiến thứ ngôn ngữ đường phố ở những hoạt cảnh hài hước mà nếu so với "Đời cười" trước đây của Nhà hát Tuổi trẻ (dành cho người lớn) thì cũng vào hàng "một mười, một bảy"…
Dường như thị trường giải trí dành cho thiếu nhi không được quan tâm nhiều lắm. Người ta nói nhiều về chuyện người lớn cởi đồ, ca sĩ hát nhép, "sao" mua xe gì, ở nhà to đẹp ra sao, nhưng lại ít phân tích lợi hại trước một chương trình nghệ thuật dành cho thiếu nhi mà ở đó bé trai - ca sĩ "comple cả cây", đeo kính đen rất "ngầu" và gân cổ "hét" rock. Những đĩa nhạc thiếu nhi "vỏ sex" chẳng đáng gây phẫn nộ như khi Ngọc Đại ra CD tục tĩu hay sao?
Người lớn đứng trước sự dung tục thì còn có thể tự bảo vệ, còn với con trẻ thì không như thế. Chúng dễ dàng tiếp nhận cả những điều không đúng, không phù hợp mà người lớn bày ra. Thực tế ấy đặt ra yêu cầu bảo vệ trẻ từ phía người lớn, nó cho thấy cần phải đặt ra yêu cầu quản lý thị trường giải trí dành riêng cho trẻ ở mức ưu tiên, nghiêm ngặt hơn so với những gì làm ra để phục vụ người lớn. Những chương trình giải trí dành cho trẻ cần phải lấy chuẩn mực làm đầu, bảo đảm sự trong sáng và mang tính giáo dục sâu sắc. Muốn có được điều ấy, ngành văn hóa cần có thêm những cuộc phát động sáng tác riêng cho thiếu nhi, năng "đặt hàng" nhà văn, nhạc sĩ, nhà viết kịch giỏi.
Không năng "xây" thì biết lấy gì để "chống"?
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.