(HNM) - Đại hội đại biểu Đảng bộ Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) lần thứ 2 (nhiệm kỳ 2010-2015) diễn ra trong lúc cả nước và Thủ đô tưng bừng chuẩn bị đón Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Hapro cũng được TP tạo điều kiện về mặt bằng mạng lưới cơ sở kinh doanh, cơ chế chính sách và vốn để hoàn thành nhiệm vụ của một doanh nghiệp (DN) thuộc lĩnh vực thương mại hàng đầu Hà Nội.
Khách hàng chọn mua sản phẩm của Hapro. Ảnh: Linh Tâm |
Chủ động nguồn lực và tăng cường hợp tác
Từ năm 2005, khi Hapro đi vào hoạt động đã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của TP, nhất là được áp dụng mô hình hoạt động theo hình thức công ty mẹ - công ty con, từ đó cho phép đơn vị chủ động nguồn lực, tăng cường sự hợp tác và phân công lao động hợp lý trong SXKD. Giai đoạn 2005-2010 đã đánh dấu một chặng đường phát triển khá ấn tượng, từng bước đa dạng hóa về lĩnh vực SXKD và sản phẩm của Hapro. Hiện, Tổng Công ty có 31 đơn vị thành viên (ban đầu có 23 đơn vị), vốn chủ sở hữu tăng 2,5 lần (trong đó vốn chủ sở hữu của công ty mẹ tăng 13,3 lần); doanh thu tăng 1,6 lần; kim ngạch xuất khẩu (XK) tăng 2,5 lần, lợi nhuận trước thuế tăng 3,8 lần; thu nhập bình quân của người lao động có kỹ thuật tăng 2,6 lần… Hapro đã, đang giữ vững thị trường XK kết hợp với mục tiêu phát triển thị trường nội địa, coi đó như hai "giá đỡ" của chiến lược phát triển dài hạn. Hapro là một trong những DN hàng đầu cả nước về XK một số mặt hàng thủ công, mỹ nghệ, nông sản, thực phẩm... với kim ngạch từ 56 triệu USD (năm 2005), tăng lên 123 triệu USD năm 2009 bằng việc liên tục mở rộng thị trường, vươn đến hơn 70 quốc gia và vùng lãnh thổ. Nhờ đó, nhiều năm liền, Hapro được Bộ Công thương và UBND TP Hà Nội khen tặng, ghi nhận kết quả XK bằng những danh hiệu đáng khích lệ, như: "DN XK uy tín", "Cúp DN phát triển bền vững", "Cúp Thương hiệu mạnh Việt Nam"…
Kiên trì định hướng làm chủ và phát triển mạnh trên thị trường nội địa, Hapro tập trung xây dựng, mở rộng và từng bước hoàn thiện hệ thống phân phối, cửa hàng tiện ích, siêu thị mang thương hiệu "Hapromart". Đặc biệt, DN còn liên tục đầu tư nhằm phát triển hệ thống trung tâm thương mại, chuỗi cửa hàng tổng hợp, chuyên doanh rộng khắp, với 32 siêu thị, cửa hàng tiện ích, chợ ở Hà Nội và một số tỉnh phía Bắc (gồm Thái Nguyên, Ninh Bình, Bắc Kạn, Thái Bình…), 40 cửa hàng thực phẩm an toàn mang tên HaproFood, 3 trung tâm kinh doanh chợ đầu mối. Hapro luôn chú trọng việc liên kết với các DN sản xuất và chế biến, cung ứng hàng nông sản, thực phẩm, nhằm bảo đảm chân hàng cho tiêu dùng nội địa. Với vai trò là đơn vị thương mại chủ đạo của Thủ đô, Hapro thường xuyên triển khai có hiệu quả việc thu mua, dự trữ hàng để bình ổn thị trường, nhất là vào các dịp lễ tết, giao vụ... Hapro cũng là DN góp phần lành mạnh hóa thị trường, bảo đảm cung-cầu hàng hóa, kích thích tiêu dùng, khuyến khích người tiêu dùng mua hàng nội.
Ông Trần Mạnh Cảnh, Phó Tổng giám đốc Hapro cho biết, đạt được những kết quả trên là do Hapro tranh thủ được sự chỉ đạo của TP, phát huy sức mạnh tập thể, đoàn kết nội bộ, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu ở các tổ chức cơ sở Đảng. Với đội ngũ hơn 7.000 người lao động đã nỗ lực nâng cao trình độ chuyên môn, làm hết sức mình để mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất trong hoạt động SXKD...
Hướng tới mục tiêu "nhà phân phối hàng đầu"
Giai đoạn 2010-2015, Hapro xác định mục tiêu trở thành nhà phân phối hàng đầu phía Bắc, là một trong 3 nhà bán lẻ hàng đầu Việt Nam, xây dựng 3 trung tâm thương mại ở khu vực nội thành và hình thành chuỗi siêu thị tại các quận, huyện, xây dựng một trung tâm mua sắm quy mô khu vực, hoàn thành chuỗi 320 điểm bán hàng rau, củ, quả và thực phẩm an toàn. Hapro tiếp tục xây dựng thương hiệu, ra mắt 15 thương hiệu nhánh và các đơn vị thành viên, tham gia vào chương trình thương hiệu cấp quốc gia, phấn đấu đứng trong hàng topten với 7 mặt hàng XK, như hạt tiêu, gạo, hạt điều, thủ công mỹ nghệ, lạc, thực phẩm chế biến, cà phê. Tổng công ty sẽ kết nối thị trường Bắc - Nam, tạo kênh phân phối hàng hóa từ hai miền để phục vụ đời sống trong nước và XK. Hapro cũng sẽ phát triển theo hướng hiện đại, có cơ cấu tổ chức và ngành hàng hợp lý, theo hướng đa ngành, có trình độ chuyên môn hóa cao về công nghệ và quản lý để hội nhập, phát triển bền vững. Dự tính, đến năm 2015, mức tăng trưởng bình quân của Hapro sẽ đạt 15%/năm, với tổng doanh thu 12.670 tỷ đồng, kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 440 triệu USD, thu hút 10.000 lao động trực tiếp. Hapro sẽ đẩy mạnh khai thác thị trường mới, quảng bá thương hiệu, vươn tới 80 thị trường ngoài nước, thiết lập văn phòng đại diện ở các thị trường trọng điểm.
Hapro tiếp tục hoàn thiện quy hoạch, đầu tư nâng cấp, xây mới hệ thống hạ tầng thương mại theo hướng hiện đại, đồng bộ. Hoàn thành và đưa vào sử dụng một số dự án quan trọng, như khu phụ trợ cụm công nghiệp thực phẩm Hapro, nhà làm việc và văn phòng cho thuê tại Cát Linh, trung tâm thương mại ở số 5 Lê Duẩn, trung tâm mua sắm Hà Nội Shopping Outlet… Hapro cũng phối hợp với các địa phương lập dự án để đầu tư phát triển hạ tầng thương mại ở một số tỉnh, kết nối liên hoàn giữa các địa điểm, tạo thế vững chắc của một nhà phân phối hàng đầu và nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.