Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hành trình vươn tới văn minh, hiện đại

Tuấn Lương| 24/09/2014 06:43

(HNM) - Từ những chiếc xe điện với tiếng leng keng đặc trưng cho đến những chiếc xe buýt mang thương hiệu Hải Âu, Ba Đình, Karosa của thời kỳ bao cấp và những năm đầu đổi mới lúc nào cũng ken kịt người với thúng mủng, hàng hóa đã chỉ còn lại trong ký ức.

Bây giờ, mạng lưới xe buýt đã phủ khắp thành phố, kết nối tới các tỉnh lân cận, đáp ứng một phần đáng kể nhu cầu đi lại của người dân Thủ đô. Và chỉ 1-2 năm nữa thôi, Hà Nội sẽ có thêm xe buýt nhanh BRT, đường sắt đô thị… những phương tiện giao thông công cộng của thế giới văn minh. Hệ thống vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) của Thủ đô đang thực sự chuyển mình.

Thi công dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông. Ảnh: Linh Ngọc



Những phương tiện của một thời

Sớm nhất trong hệ thống VTHKCC Thủ đô chính là hệ thống xe điện được xây dựng từ thời Pháp. Nhà báo kỳ cựu Chu Đức Soàn của Đài Truyền hình Hà Nội kể, ngày xưa, bến xe điện Bờ Hồ nằm ở đầu phố Đinh Tiên Hoàng bên phía hồ Hoàn Kiếm, từ đây tỏa ra Hà Đông, Cầu Giấy, Chợ Mơ và Chợ Bưởi. Ngoài ra, còn một tuyến đi ngang khu phố cổ là tuyến Yên Phụ - Hàng Cót - Cửa Nam - kéo xuống cửa Bệnh viện Bạch Mai. Xe điện chủ yếu phục vụ dân nghèo thành thị, người lao động, buôn rau quả từ vùng ngoại ô vào các chợ trong nội đô, nên ở giữa lối đi và trong gầm ghế thường có nhiều quang sọt, thúng mủng… Trong 5 tuyến có 2 tuyến Bờ Hồ - Hà Đông và Chợ Bưởi - Bờ Hồ - Chợ Mơ là được lắp 3 toa tàu, còn các tuyến khác chỉ có 2 toa, nên các chuyến xe điện đều đông khách. Vào giữa những năm 80 của thế kỷ trước, Hà Nội có xe điện bánh lốp. Tuy nhiên, loại hình này không phát triển lắm nên xe điện chạy bánh sắt vẫn được duy trì. Cho đến mãi những năm 1990, xe điện mới dừng hoạt động, đường ray được bóc lên. Nhưng có lẽ hình ảnh đoàn xe toa gỗ cũ kỹ, cùng tiếng leng keng sẽ mãi còn trong ký ức của người Hà Nội.

Nhiều người dân Thủ đô đến nay vẫn chưa dễ thống nhất với nhau về thời điểm ra đời của xe buýt Hà Nội. Có người bảo nó đã có cách đây trước cả trăm năm cùng với sự đô hộ của người Pháp ở Đông Dương. Cũng có người nói phải những năm 1925, 1926 mới có xe buýt hoạt động ở khu vực Bến Nứa, nhưng cũng không chắc lắm rằng đó là xe buýt hay xe khách, bởi từ bến này có xe từ Hà Nội đi Hưng Yên, Sơn Tây… Thời kỳ này còn có bến Kim Liên chuyên chở khách đi Phủ Lý, Nam Định, Thái Bình…

Một số cán bộ cũ của ngành xe buýt Hà Nội cho biết, vào đầu năm 1958, Hà Nội mở tuyến xe buýt Kim Liên - Hà Đông. Vài năm sau đó, bên cạnh xe điện, xe buýt phát triển mạnh, trở thành phương tiện VTHKCC chủ yếu của Hà Nội. Sau khi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Hà Nội có nhiều xe buýt mang tên Hải Âu (của Liên Xô cũ), xe Ba Đình của Hà Nội đóng khung sườn, động cơ của CHDC Đức, xe Karosa (Tiệp Khắc). Chuyến nào cũng rất đông hành khách, từ học sinh, sinh viên, CBCNV cho đến người buôn bán. Cảnh hành khách chen lấn cùng thúng mủng, quang gánh khá phổ biến. Xe buýt thời này ít tuyến, chủ yếu chạy những tuyến trục như Bờ Hồ - Hà Đông, Kim Mã - Hà Đông, từ trung tâm thành phố chạy lên Cầu Giấy, Nhổn…

Tiếp cận văn minh

Khoảng 10 năm trở lại đây, hình ảnh những chiếc xe buýt sắc đỏ vàng với thương hiệu "Hanoibus" đã trở thành phương tiện VTHKCC chủ lực của Hà Nội. Sự chuyển mình của xe buýt gắn liền với sự ra đời của Tổng Công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) vào năm 2004. Tuy nhiên, trước khi có được bước phát triển vượt bậc như ngày nay, xe buýt Hà Nội đã phải trải qua rất nhiều khó khăn. Ông Nguyễn Phi Thường - Tổng Giám đốc Transerco nhớ lại: Cho đến tận năm 2000, Hà Nội vẫn chỉ có 3 doanh nghiệp nhà nước tham gia với quy mô nhỏ, sản lượng hành khách chỉ đạt khoảng 15 triệu lượt. Thế nhưng, ngay trong năm đầu thành lập (2004), với 41 tuyến xe buýt và gần 700 đầu xe, Transerco đã vận chuyển được 285,3 triệu hành khách, vượt 16% so với kế hoạch và tăng 64% so với năm 2003. Doanh thu đạt hơn 1.525 tỷ đồng, tăng trưởng trên 15%. Hoạt động xe buýt của Transerco đã được chọn là một trong 10 sự kiện kinh tế - xã hội tiêu biểu trong năm của Thủ đô. Sau 10 năm (2004-2014), xe buýt Hà Nội đã trở thành sự lựa chọn số 1 của nhiều người dân. Luồng tuyến tăng 2,4 lần, lượng xe tăng 4 lần và khách đi xe buýt tăng hơn 30 lần. Đến nay, lượng hành khách đã vượt lên trên 450 triệu khách/năm. Hơn thế, xe buýt đã có những đóng góp tích cực trong việc giảm ùn tắc và bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn.

Ông Nguyễn Hoàng Hải - Giám đốc Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị (Sở GTVT) cho biết: Toàn thành phố hiện có 89 tuyến buýt, bao gồm 70 tuyến có trợ giá, 12 tuyến không trợ giá và 7 tuyến buýt kế cận, phủ khắp địa bàn thành phố và các địa phương lân cận như Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên… Với việc không ngừng điều chỉnh hợp lý hóa luồng tuyến, xe buýt đã vươn xa nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân nhiều vùng ngoại thành như Phúc Thọ, Đan Phượng, Cầu Giẽ, Mê Linh, Chương Mỹ, Sơn Tây… Đoàn phương tiện không ngừng được đổi mới, hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ xe buýt không ngừng được đầu tư, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý điều hành đã ngày càng khiến xe buýt trở nên thân thiện hơn với người dân Thủ đô.

Trong lúc xe buýt vẫn đang giữ vai trò chủ lực trong hệ thống VTHKCC thì Hà Nội đã chủ động, tích cực phối hợp chặt chẽ với Bộ GTVT và các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, lập quy hoạch và triển khai hàng loạt dự án đường sắt đô thị, xe buýt nhanh khối lượng lớn - BRT. Theo kế hoạch, sang năm 2015, tuyến BRT thí điểm Kim Mã - Yên Nghĩa sẽ chính thức đưa vào khai thác. Hệ thống BRT sẽ chạy trên làn đường riêng, tốc độ cao hơn xe buýt thông thường, sử dụng thẻ vé điện tử. Đây chính là mô hình đã được triển khai khá thành công ở nhiều nước Châu Á, Mỹ La tinh… Cũng trong năm 2015, tuyến đường sắt đô thị đầu tiên Cát Linh - Hà Đông dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào khai thác. Cùng với dự án này, hai tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội, Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo cũng đang được thành phố tập trung tháo gỡ khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, nguồn vốn đầu tư, thi công… Quyết tâm của thành phố nhằm hướng tới một hệ thống VTHKCC văn minh, hiện đại, bền vững, phục vụ hiệu quả nhu cầu đi lại của người dân là rất lớn.

Từ tiếng leng keng của tàu điện, xe buýt thân dài của thời bao cấp, cho đến xe buýt mang 3 sắc đỏ trắng vàng hôm nay và buýt nhanh - BRT, đường sắt đô thị trong tương lai gần là cả một chặng đường dài phát triển. Đó cũng là một trong những minh chứng sinh động cho sự phát triển không ngừng của Thủ đô Anh hùng, Thành phố vì hòa bình.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hành trình vươn tới văn minh, hiện đại

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.