(HNMCT) - Thức cùng tưởng tượng (NXB Hội Nhà văn - năm 2019), tập thơ đầu tay của nhà thơ trẻ Nguyễn Thị Kim Nhung mang đến cho người đọc một cảm xúc thật đặc biệt. Đó chính là hành trình trở về, “làm xanh” kỷ niệm giữa cuộc sống đầy âu lo, chật hẹp, bộn bề.
Tập thơ gồm 38 bài, chia làm 4 phần và chính những cái tên đã mang đậm dấu ấn về hành trình ấy: Cha bảo con gái trung du phải biết ăn rau đắng, Giấc mơ là cây cầu gỗ mục, Hay chúng mình đi vắng trong nhau, Cỏ xanh không cần tưởng tượng.
Xuyên suốt tập thơ là không khí miền quê trung du núi đồi bảng lảng với những buổi chiều tà, những mùa rau đắng, nắng mưa nối tiếp gió sương. Kim Nhung có những cách dẫn nhập rất tự nhiên, đầy gợi mở, để bất cứ ai lỡ bước không gian ấy đều sẽ bị níu chân: “Người có chờ ta trở lại/ xóm núi buồn hắt bóng xuống mùa thu/ lời hẹn cũ tàn trong xa lắc/ rơi qua năm tháng xạc xào/ đồi vắng chân người chặt củi/ cây chồi còn nhắc vết dao” (Gửi về xóm núi), “Người già ngồi trên bậc cửa/ nhìn trẻ chơi trước nhà/ gậy khua vào chạng vạng” (Nhà cũ); “Trung du là tiếng thở dài/ những quãng đứt khiến núi đồi mỏi mệt” (Có một ngày).
Ngôn ngữ thơ Kim Nhung có độ tinh tế, đằm lắng mà da diết. Không gian kỷ niệm vì thế cũng bảo toàn được mọi hương sắc, trạng thái ngay trong từng chi tiết nhỏ của tiếng dế mèn, bờ giậu, hoa trôi, cánh chuồn chuồn... Điều đặc biệt, mọi hình ảnh trong thơ đều gọi lên niềm thương nhớ, ăn năn của đứa con ruộng đồng sớm rời cố hương để mưu sinh nơi phố thị: “Cha bảo con gái trung du phải biết ăn rau đắng/ bởi không tin vào những ngọt bùi/ con không nghe, con đi tìm cỏ mật/ mun mút mùa ăn năn” (Có một ngày). Từ vùng cảm xúc dệt nhiều lưu luyến ấy, không ít câu thơ thăng hoa đến độ khoáng đạt, vượt thoát khỏi cái tôi cá nhân và chạm tới câu chuyện rộng dài, hút sâu, đa chiều của cuộc sống này: “Vó ngựa tung giấc mơ biên ải/ tạnh rừng mưa và cạn lòng ta” (Ngựa trắng), “Nước mắt luôn là kẻ đến sau/ nhưng không lỗi hẹn bao giờ” (Còn lại), “Lá bàng rụng vào một ngày rất đỏ/ vói lên chiều một vạt âu lo” (Cuối năm).
Tập thơ Thức cùng tưởng tượng có đề tài phong phú, trong đó phố thị và hậu chiến là những điểm nhấn đáng lưu tâm. Thanh âm, màu sắc đô thị được tác giả chọn lọc, đặc tả qua những khoảnh khắc tĩnh tại, bình yên nhất: “Khu tập thể toàn người đơn lẻ/ họ thay nhau canh giữ âm u/ không ai nghe nước tràn trên bể” (Đêm thiếu phụ), “Những ô vòm còn thức/ nhắc nhau nói khẽ cũng thừa/ Quán hàng như người mất ngủ/ và người đi như ru” (Phố Gầm Cầu). Giữa phố chật, qua thơ ca, chúng ta vẫn như chạm được vào một dòng sông dâng con nước mênh mang, trong vắt, chẳng có con đò nào, trí tưởng tượng đưa người thơ qua sông và cập bến. Và rồi, lúc tưởng chừng nắm được kỷ niệm trong tay, gặp lại chính mình thời hoa niên, tác giả bỗng ngỡ ngàng bởi ký ức vụn rơi, hao hụt trong quy luật bất biến của thời gian, cuộc sống.
Hiện tại, suy cho cùng vẫn hữu ý nhuốm màu ký ức từ hành trình ráo riết làm xanh thêm kỷ niệm của “Một đứa trẻ từ nhiều năm trước/ vụng về tạm biệt khu vườn/ gai dứa dại cứa vào nỗi nhớ/ tôi trở về nghe tiếng khóc bé con” (Khu vườn bí mật).
Còn trẻ về tuổi đời, tuổi nghề nhưng nữ tác giả sớm kỹ càng, trưởng thành trong sáng tác, có thể nhận thấy khá rõ điều này khi đọc mảng thơ về đề tài hậu chiến của cô. Tác giả có lối tiếp cận bằng con đường của câu chuyện nội tâm. Ta bắt gặp hình ảnh những đoàn quân mỏi đã dừng chân đâu đó, ám gợi vào thiên nhiên, địa danh trên Tổ quốc này: “Chiều Châu Mộc mưa nghiêng gùi bắp/ mà sao mây cháy ở góc trời/ người kể mãi với nhiều áo trắng/ có đoàn quân vượt dốc chạm mưa” (Đỉnh mưa).
Hình ảnh người lính được xây dựng bằng tưởng tượng mang làn gió thanh xuân và bản năng cựa thức: “Những người lính trở về từ cỏ/ dấu ngụy trang tắm táp vội làm gì/ Dưới trăng non anh đi tìm một nửa/ không gặp em chỉ gặp tiếng dế mèn/ nụ hôn vội đặt lên môi cỏ sắc (Thức cùng tưởng tượng). Không ít tác giả trẻ “ngại” chọn viết về đề tài này bởi sự khó khăn trong cách tiếp cận, khai thác, nhất là thơ ca.
Tác giả Nguyễn Thị Kim Nhung có lối chinh phục mềm mại, nhất quán trong niềm đau đáu với những người lính “nằm trong đất họ còn mải bắn”, gửi mãi thanh xuân để “cỏ xanh không cần tưởng tượng”. Chùm thơ đề tài hậu chiến khép lại tập sách bằng dư âm sâu lắng, là gạch nối của ký ức bao con người đã ngã xuống cho thế hệ mai sau được quyền nhớ nhung, tha thiết với câu chuyện của mình.
Nguyễn Thị Kim Nhung sinh năm 1990 tại Phú Thọ tốt nghiệp khoa Viết văn - Báo chí, Đại học Văn hóa Hà Nội. Cô từng đoạt giải ở các cuộc thi thơ uy tín của Báo Tuổi Trẻ (2012), Tạp chí Văn nghệ Quân đội (2015-2016), Bằng khen của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho tác phẩm Trước những ngôi mộ dọc biên giới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.