(HNM) - 1. Sinh ra trên mảnh đất Nghệ An địa linh nhân kiệt, Nguyễn Tất Thành - Chủ tịch Hồ Chí Minh sớm được nuôi dưỡng tình yêu nước, thương dân với một thiên hướng đặc biệt. Ngoài chữ Hán, Người còn được học chữ Pháp, bước đầu làm quen với văn minh Pháp, với thời đại qua những sách “Tân thư”, “Tân văn” bằng tiếng Hán và tiếng Pháp... Những trăn trở, đau xót của Nguyễn Tất Thành càng được cộng hưởng thêm trước cảnh đồng bào thống khổ, cảnh thực dân Pháp chém giết người yêu nước, đàn áp các cuộc khởi nghĩa do Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám lãnh đạo trong bể máu. Trong khi đó, phong trào Đông Du, phong trào Duy Tân… cũng chưa thể giành lại độc lập, tự do cho Tổ quốc. Từ đây, Người hiểu rằng: Phải tìm cách khác nếu muốn thực hiện được khát vọng giải phóng cho dân tộc, tự do cho đồng bào.
Khâm phục lòng yêu nước của các bậc tiền nhân, nhưng bằng thiên tài bẩm sinh, Nguyễn Tất Thành hiểu rằng một thời đại mới đòi hỏi một con đường đi mới - đó là làm cách mạng và Người đã bắt đầu một hành trình mới khi quyết định làm thuê trên tàu Đô đốc Latouche Tréville, rời Tổ quốc ngày 5-6-1911 để “tìm đường đi cho dân tộc theo đi”.
Người không chỉ lao động kiếm sống, tích lũy tri thức mà còn tranh thủ tìm hiểu đời sống chính trị, xã hội các quốc gia, dân tộc và các nền văn hóa của nhiều châu lục. Không chỉ tham gia Hội những người Việt Nam yêu nước tại Pháp, thay mặt Hội gửi Yêu sách của nhân dân An Nam đến Hội nghị Versailles tháng 6-1919, Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc đã vượt mọi thử thách, gian truân, phấn đấu cao độ với nghị lực phi thường và một định hướng không hề lay chuyển để rồi quyết định đến với chủ nghĩa Mác - Lênin, đến với Quốc tế thứ 3 - với con đường cách mạng vô sản, với Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại.
Người tham gia sáng lập Hội Liên hiệp các dân tộc thuộc địa năm 1921, ra Báo “Người cùng khổ”, viết nhiều bài đăng trên các báo, tạp chí tại Pháp; mạnh mẽ đấu tranh, tố cáo tội ác của chủ nghĩa thực dân trên các diễn đàn, các phương tiện thông tin đại chúng… để chuẩn bị cho công cuộc giải phóng Tổ quốc mình, đi tới giải phóng “các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ”.
Thấu hiểu sâu sắc nguồn sức mạnh “chủ nghĩa dân tộc là động lực lớn của đất nước”, Nguyễn Ái Quốc trở về gần Tổ quốc tháng 11-1924. Tại Quảng Châu (Trung Quốc), trên cơ sở những nguyên lý của học thuyết Mác - Lênin về xây dựng Đảng, Nhà nước, về phương pháp vận động quần chúng, tập dượt đấu tranh cách mạng, Người dồn tâm huyết truyền giảng cho những thanh niên Việt Nam yêu nước, đào tạo đội ngũ cán bộ cốt cán đầu tiên, xúc tiến chuẩn bị về chính trị, tư tưởng và tổ chức cho sự ra đời của một chính Đảng vô sản kiểu mới ở Việt Nam.
Mở lớp huấn luyện chính trị, thành lập tổ chức Hội Việt Nam cách mạng thanh niên năm 1925, sáng lập Báo “Thanh niên” (tháng 6-1925), tuyên truyền về chủ nghĩa cộng sản, về Đảng Cộng sản, về Cách mạng Tháng Mười Nga, xuất bản tác phẩm “Đường Kách mệnh” (năm 1927)…, Nguyễn Ái Quốc đem đến cho những thanh niên Việt Nam yêu nước một luồng sinh khí mới. Với việc truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào phong trào công nhân, phong trào yêu nước, Nguyễn Ái Quốc và những người Việt Nam yêu nước ngày mỗi ngày góp phần đưa tư tưởng của thời đại mới lan tỏa ở Việt Nam, dẫn đến sự ra đời của 3 tổ chức cộng sản ở Việt Nam năm 1929. Khi các điều kiện đã chín muồi, với bản lĩnh quyết đoán và kịp thời, Người triệu tập hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản, thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam đầu năm 1930 tại Hương Cảng (Trung Quốc). Đây là một quyết định có ý nghĩa vượt thời gian, vượt không gian của Người - một nhân tố quan trọng để thực hiện thắng lợi khát vọng độc lập, tự do cho Tổ quốc.
2. Ngày 28-1-1941, sau gần 30 năm hoạt động ở nước ngoài, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh trở về Tổ quốc tại Cao Bằng, trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng cả nước, mở ra một giai đoạn thắng lợi mới cho cách mạng Việt Nam.
Tại Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8 (tháng 5-1941), Người cùng Trung ương Đảng quyết định chuyển hướng chiến lược cách mạng: Đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu; tạm gác khẩu hiệu tịch thu ruộng đất của địa chủ và chủ trương thành lập một Mặt trận dân tộc thống nhất rộng rãi để mở rộng khối đoàn kết toàn dân tộc, tập trung vào nhiệm vụ chống đế quốc, giành độc lập dân tộc…
Nhằm khơi nguồn sức mạnh nội lực vô cùng to lớn của cả dân tộc, Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh (Việt Minh) được thành lập ngày 19-5-1941, nêu rõ quan điểm: “Việt Minh chủ trương liên hiệp hết thảy các giới đồng bào yêu nước không phân biệt giàu nghèo, già trẻ, trai gái, không phân biệt tôn giáo và xu hướng chính trị, đặng cùng nhau mưu cuộc giải phóng và sinh tồn”. Đồng thời, chính sách 44 điểm của Việt Minh đã góp phần thực hiện hai điều mà toàn thể đồng bào đang mong ước: Làm cho nước Việt Nam hoàn toàn độc lập; làm cho dân Việt Nam sung sướng, tự do...
Có sức mạnh hiệu triệu, đánh thức tinh thần dân tộc nhằm mục tiêu đánh Pháp, đuổi Nhật để dựng lên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, từ những tổ chức thí điểm đầu tiên ở Hà Quảng (Cao Bằng) năm 1941, Việt Minh phát triển nhanh và lan rộng trong toàn quốc. Cùng với đó, các đoàn thể Hội Nông dân cứu quốc, Hội Công nhân cứu quốc, Hội Phụ nữ cứu quốc, Hội Thanh niên cứu quốc… cũng được thành lập và lớn mạnh ở khắp các tỉnh, thành phố…
Tháng 8-1945, những điều kiện cho cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong toàn quốc đã chín muồi. Ngày 14-8-1945, Nhật hoàng tuyên bố đầu hàng không điều kiện phe Đồng minh. Quân Nhật ở Đông Dương mất tinh thần, chính phủ Trần Trọng Kim hoang mang, tê liệt. Người và Trung ương Đảng nhạy bén triệu tập Hội nghị đại biểu toàn quốc của Đảng, quyết định phát động Tổng khởi nghĩa, thi hành “10 chính sách Việt Minh”, thành lập Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc để thống nhất chỉ huy cuộc chiến đấu, ra Quân lệnh số 1, hạ lệnh Tổng khởi nghĩa trong cả nước, nhằm kiến lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa hoàn toàn độc lập trước khi quân Đồng minh kéo vào Đông Dương giải giáp quân đội Nhật. Ngày 16-8-1945, tại đình Tân Trào (tỉnh Tuyên Quang), Quốc dân Đại hội đã thông qua việc phát động Tổng khởi nghĩa trên toàn quốc, thông qua “10 chính sách Việt Minh” và quyết định: Cử ra Ủy ban giải phóng dân tộc Việt Nam - như là Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam trước khi thành lập một chính phủ chính thức, do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch.
Những quyết định chính xác, kịp thời của Người và Trung ương Đảng trong những năm 1941-1945, sức mạnh vĩ đại của lòng yêu nước, khát khao độc lập, tự do, tinh thần dân tộc, đoàn kết muôn người như một trong Mặt trận Việt Minh dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã làm nên thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945; khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á.
… Hành trình đầy khát vọng, đầy bản lĩnh và quyết tâm của người thanh niên Nguyễn Tất Thành - Bác Hồ vĩ đại đã đưa cách mạng Việt Nam bước sang một trang mới, "nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập”. Và cũng từ đây, trên bản đồ thế giới, hai chữ "Việt Nam" xuất hiện, càng ngày càng trở nên rạng rỡ...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.