Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hàng Việt cải tiến vượt bậc về chất lượng, mẫu mã

Thanh Hiền| 15/01/2023 07:36

(HNM) - Hàng Việt được cải tiến vượt bậc về chất lượng, mẫu mã, đang ngày càng chiếm tỷ lệ cao tại các hệ thống siêu thị đã cho thấy hiệu quả của cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" sau 13 năm triển khai. Cuộc vận động đã góp phần hình thành hệ thống phân phối hàng Việt Nam rộng khắp cả nước, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa trong nước, nhất là các mặt hàng nông sản; góp phần thúc đẩy sản xuất, ổn định nền kinh tế đất nước.

Công ty cổ phần Sữa Việt Nam Vinamilk là một trong những doanh nghiệp có giá trị thương hiệu mạnh trên thế giới.

Thời gian qua, mặc dù việc mở cửa thị trường theo cam kết của các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết đang gia tăng mạnh, nhưng hàng Việt vẫn khẳng định được chỗ đứng và được các nhà phân phối, bán lẻ ưu tiên trong cơ cấu hàng hóa bày bán trên quầy kệ. Theo Ban Chỉ đạo cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thành phố Hà Nội, hàng Việt có độ phủ ngày càng lớn tại hệ thống phân phối nội địa, được người tiêu dùng trong nước tin tưởng. Bên cạnh chất lượng tốt, mẫu mã đẹp và giá thành phù hợp, các doanh nghiệp Việt đã biết khai thác yếu tố văn hóa dân tộc, đặc sản vùng miền để tiếp cận người tiêu dùng trong nước và quốc tế.

Báo cáo của Bộ Công Thương cũng cho thấy, hàng Việt tại các hệ thống siêu thị trong nước luôn đạt ở tỷ lệ từ 90% trở lên. Điển hình như Co.opmart 90-93%, Satra 90-95%, Vissan 95%... Tỷ lệ hàng Việt tại các hệ thống phân phối hiện đại được duy trì ở mức cao như hệ thống của Central Retail 90%, hệ thống của AEON Việt Nam 80%... Đối với kênh bán lẻ truyền thống, tỷ lệ hàng Việt tại các chợ, cửa hàng tiện lợi chiếm từ 60% trở lên.

Đặc biệt, trong 2 năm phải đối mặt với hàng loạt khó khăn, thách thức do đại dịch Covid-19 gây ra, cùng với những xung đột kinh tế, chính trị của một số quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, song năm 2022, Việt Nam vẫn duy trì và tiếp tục được nâng hạng trong Tốp 100 giá trị thương hiệu quốc gia mạnh trên thế giới. Trong số các doanh nghiệp có giá trị thương hiệu, dẫn đầu có sự góp mặt của các doanh nghiệp sở hữu sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam như: Viettel, Vinamilk, TH True milk, Vin Fast, MB, Vietcombank, Vietinbank, BIDV...

Hiện nay, tình hình thế giới vẫn tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp, hoạt động xuất khẩu bắt đầu đối diện với khó khăn do gián đoạn đơn hàng. Trong bối cảnh đó, nhiều doanh nghiệp đã quay lại thị trường nội địa để tìm cơ hội phát triển sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, theo Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan, để phát triển bền vững tại thị trường nội địa, doanh nghiệp phải nâng cao chất lượng, mẫu mã hàng hóa nhằm chinh phục thị trường; chủ động đầu tư hơn nữa để sản xuất ra các sản phẩm thật sự chất lượng, có sức cạnh tranh, thu hút người tiêu dùng. “Đặc biệt, doanh nghiệp cần kết hợp thương mại điện tử, công nghệ số nhằm tiết kiệm hơn nữa chi phí logistics, giảm giá thành cho người dân Việt Nam được tiếp cận hàng hóa tốt và có giá thành hợp lý”, bà Trần Thị Phương Lan chia sẻ.

Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Lan Hương, Trưởng ban Chỉ đạo cuộc vận động thành phố Hà Nội cho biết, cuộc vận động đã được Ban Bí thư xác định là một trong những giải pháp cần thiết, quan trọng thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, là chủ trương đúng đắn, có ý nghĩa sâu sắc, góp phần quan trọng ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm nhu cầu tiêu dùng, an sinh xã hội và sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước.

Vì vậy, cùng với sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng, trong thời gian tới, doanh nghiệp cần chủ động chuẩn bị nguồn lực, nâng cao sức cạnh tranh thông qua việc xây dựng kế hoạch dài hạn, bài bản, nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh thông qua ứng dụng khoa học và công nghệ, học tập, áp dụng các mô hình thành công để có sự chuẩn bị tốt nhất khi phải đối mặt với áp lực cạnh tranh.

Trong thời gian tới, các doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ sản xuất cần chủ động hợp tác, liên kết để nâng cao sức cạnh tranh, tạo chuỗi cung ứng thông qua thúc đẩy liên kết sản xuất, từ đó, hoàn thiện chuỗi giá trị từ sản xuất, canh tác, chế biến và phân phối tới người tiêu dùng, nhằm bảo đảm chất lượng sản phẩm, chiếm lĩnh vị thế "sân nhà" của hàng Việt. Các doanh nghiệp cũng cần phát huy sức mạnh đoàn kết, cùng nhau phát triển, khắc phục tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, để có thể bước vào sân chơi mới với tâm thế tự tin, tiếp tục phát triển trong giai đoạn tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hàng Việt cải tiến vượt bậc về chất lượng, mẫu mã

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.