(HNMO) - Vừa qua, buổi nhạc kịch đầu tiên theo phong cách Broadway “Dòng sông không chảy ngược” thuộc Dự án “Đi và Mở” đã đến với người dân làng Khúc Thủy, xã Cự Khê, huyện Thanh Oai, Hà Nội.
Một cảnh trong vở diễn. |
Tham dự sự kiện có GS. Nguyễn Lân Dũng - Cố vấn của dự án “Đi và Mở” cùng hơn 600 người dân địa phương đã tập trung ngay tại đình làng từ tối để theo dõi vở nhạc kịch.
Háng trăm người dân địa phương hào hứng theo dõi vở nhạc kịch. |
“Dòng sông không chảy ngược” xoay quanh tình yêu và nỗi day dứt của nhân vật bí thư Thạch với dòng sông Nhuệ quê hương, cùng thôi thúc bảo vệ dòng sông quê luôn ám ảnh trong lòng ông. Từ những kí ức tuổi thơ tươi đẹp nhất cho tới giây phút đau đớn nhất là mất đi mối tình đầu của Thạch đều gắn với dòng sông. Khi trở thành bí thư xã, ông đã tìm mọi cách thuyết phục bà con làng mình (một làng lụa) cùng thay đổi để bảo vệ con sông đang dần chết. Câu chuyện không xoáy sâu vào quá khứ mà hướng tới tương lai, tình yêu và trách nhiệm của mỗi người với dòng sông quê hương.
Không dừng lại ở đó, sau khi vở kịch khép lại, người dân đã tự xây dựng cái kết riêng trong phần “diễn kịch giải pháp”. Các thanh niên địa phương tự lên kịch bản, tự diễn xuất để thể hiện được cái nhìn của mình cũng như tự đưa ra các giải pháp thân thiện và thực tế với chính địa phương họ (như sử dụng hầm bioga).
Đồng hành cùng vở kịch chính, buổi triễn lãm tranh “Dòng sông ước mơ” đã trưng bày 30 bức tranh ý nghĩa và sáng tạo nhất được giải của 30 em học sinh tới từ trường tiểu học Cự Khê. Qua những bức tranh này, các em học sinh đã thể hiện cái nhìn cũng như ước mơ của các em về con sông Nhuệ.
Dự án hi vọng tiếng nói của các em nhỏ và thanh niên địa phương – là thế hệ chủ nhân tương lai của những ngôi làng này – cũng sẽ là một động lực thúc đẩy người dân làng Khúc Thủy chung tay hành động để bảo vệ con sông.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.