(HNM) - Hai năm thực hiện cuộc vận động
Phủ kín siêu thị và chợ truyền thống
Nếu như một năm trước đây, hàng Việt dù chiếm tỷ lệ áp đảo tại các siêu thị nhưng tại các chợ truyền thống vẫn bị hàng ngoại giá rẻ áp đảo, trong đó chủ yếu là hàng Trung Quốc, thì năm nay, hàng Việt đã "phủ đầy" cả hai loại hình phân phối này. Sơ kết hai năm triển khai cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" (NVNƯTDHVN) cho thấy, tại các siêu thị, chợ đầu mối nông sản thực phẩm và các chợ truyền thống trên địa bàn 24 quận, huyện, hàng Việt bày bán chiếm tỷ lệ 85-95%.
Hàng Việt Nam đang chiếm tỷ lệ áp đảo trong các siêu thị.
Bà Nguyễn Thanh Hà, Phó Giám đốc Công ty TNHH Quản lý và kinh doanh chợ nông sản Thủ Đức cho biết, tỷ lệ rau và trái cây ngoại về chợ này trong 9 tháng đầu năm 2011 giảm 26-35,3% so với cùng kỳ năm 2010. Đây là chợ đầu mối lớn của TP với lượng hàng mỗi đêm về chợ 2.900-3.200 tấn, dịp lễ, tết lên đến 4.000-5.000 tấn, hiện sản lượng rau củ Trung Quốc chỉ chiếm 10-15%, trái cây ngoại chiếm 12-15% tổng lượng rau và trái cây nhập chợ hàng đêm. Theo bà Hà, nông sản Việt đang có nhiều ưu thế. Có sự chênh lệch rất cao về giá cả giữa các loại trái cây trong nước và hàng ngoại. Ví dụ, trong khi các loại cam của Austraalia, Nam Phi tại chợ đầu mối có giá 40.000-50.000 đồng/kg, tại các chợ bán lẻ có thể tới 80.000 đồng/kg thì cam sành loại ngon của Việt Nam chỉ dao động 25.000-30.000 đồng/kg. Tương tự, nho Trung Quốc 30.000-40.000 đồng/kg nhưng nho Phan Rang chỉ 15.000-20.000 đồng/kg. Bên cạnh đó, người tiêu dùng ý thức hàng nội rõ ràng nguồn gốc an toàn hơn nên hàng Trung Quốc ngày càng mất chỗ đứng.
Bà Bùi Hạnh Thu, Phó Tổng Giám đốc Liên hiệp HTX Thương mại thành phố (SaigonCo.op) cho hay, thời kỳ đầu khi xác định hàng nội là mặt hàng kinh doanh chủ đạo, SaigonCo.op gặp không ít khó khăn vì trên thực tế, hàng ngoại đóng góp lợi nhuận cao hơn cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, SaigonCo.op vẫn bền bỉ với chiến lược nội địa hóa và hàng sản xuất tại Việt Nam đã chiếm tỷ trọng hơn 90% trong cơ cấu hàng hóa của hệ thống Co.opMart. Bà Bùi Hạnh Thu đánh giá, hiện hàng Việt đã được cải thiện đáng kể về mẫu mã, chất lượng cũng như giá cả. Cùng với đó là nỗ lực của các nhà phân phối khi ưu tiên hàng Việt trên quầy kệ, khuyến mãi, giảm giá… đã khuyến khích người Việt sử dụng hàng nội ngày càng nhiều hơn.
Lan tỏa sâu rộng
Ông Lê Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết, trong chương trình hành động về cuộc vận động NVNƯTDHVN, ngoài tuyên truyền cho cán bộ, giáo viên, Sở còn lồng ghép vào nội dung chương trình chính khóa các môn học nhằm giúp các em hiểu ý nghĩa cuộc vận động và tuyên truyền cho gia đình cùng thực hiện. Sở GD-ĐT cũng thực hiện việc mua sắm các tài sản, vật tư, trang thiết bị với tất cả các mặt hàng trong nước sản xuất được. Trong năm học 2010-2011, mua sắm hàng Việt cho khối giáo dục chiếm 88,78% và cho khối đào tạo chiếm đến 98,88%.
Ông Dương Quan Hà, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hồ Chí Minh, Phó ban Chỉ đạo cuộc vận động NVNƯTDHVN của TP, khẳng định cuộc vận động đã đạt những kết quả rất lớn trong năm 2011. Công tác tuyên truyền, vận động được triển khai sâu rộng, thực hiện đồng bộ từ hệ thống chính trị đến các đoàn thể, doanh nghiệp, tiểu thương, cá nhân… Trong chương trình hành động của TP, cuộc vận động NVNƯTDHVN luôn ưu tiên hàng đầu và gắn liền với việc thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội và các chương trình bình ổn của TP. Cuộc vận động được triển khai bằng nhiều biện pháp tổng hợp đã giúp các doanh nghiệp có cơ hội củng cố và phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo uy tín thương hiệu đối với người tiêu dùng. Nhiều DN qua cuộc vận động đã có sự chuyển mình tốt, kết quả kinh doanh ngày càng cao, mở rộng thị trường trong nước và vươn ra nước ngoài.
Phó Bí thư Thành ủy, Trưởng ban Chỉ đạo cuộc vận động Nguyễn Thị Thu Hà đánh giá, cuộc vận động đã đạt được những kết quả rất đáng khích lệ nhờ công tác tuyên truyền được chú trọng, đúng hướng và sự nỗ lực của doanh nghiệp để hàng Việt ngày càng có chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, giá cả hợp lý nên đã củng cố được niềm tin của người tiêu dùng. Tuy nhiên, kết quả mới chỉ là bước đầu. Năm 2012, dự báo tình hình kinh tế còn nhiều diễn biến khó lường sẽ tác động đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và nhu cầu tiêu dùng của người dân. Chính vì vậy, BCĐ cuộc vận động sẽ tiếp tục rút kinh nghiệm, điều chỉnh những chương trình chưa phù hợp để thực hiện cuộc vận động tốt hơn, gắn kết hơn nữa cuộc vận động NVNƯTDHVN với các chương trình bình ổn mà TP đang thực hiện vì cả hai chương trình đều là hàng Việt. Thành ủy cũng chỉ đạo các cơ quan nhà nước thực hiện nghiêm việc chọn hàng Việt trong mua sắm chi tiêu công; đồng thời khuyến khích các cơ quan, đoàn thể vừa là người tiêu dùng, vừa là người vận động để nâng cao nhận thức trong mọi tầng lớp nhân dân, để cuộc vận động NVNƯTDHVN ngày càng lan tỏa sâu rộng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.