(HNMO) - Sau lễ khai hội diễn ra chiều 4-2, sáng 5-2 (tức 15 tháng Giêng năm Quý Mão) nghi lễ quan trọng nhất trong kỳ chính hội Đền Và (thị xã Sơn Tây, Hà Nội) - lễ rước long ngai bài vị Tam vị Đức Thánh Tản sang Đền Ngự Dội (huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc) đã được tổ chức long trọng. Đây là hội rước liên vùng, với sự tham gia của nhân dân 8 làng trong vùng cùng thờ Đức Thánh Tản (giờ là 7 tổ dân phố ở các phường: Trung Hưng, Viên Sơn, Phú Thịnh thuộc thị xã Sơn Tây, thành phố Hà Nội và thôn Duy Bình thuộc huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc.
Đúng 5h sáng, đoàn rước kiệu khởi hành từ Đền Và trong ánh đèn nến lung linh huyền ảo cùng hàng ngàn người tham dự. Để tỏ lòng thành kính, nhân dân dọc các tuyến phố đoàn rước đi qua cũng bày hương, sắp lễ trước cửa nhà để nghênh đón. Sau hành trình dài bắt đầu từ Đền Và, đoàn rước đến bến cảng sông Hồng, di chuyển lên phà qua sông để sang đền Ngự Dội thực hiện nghi thức Mộc Dục và Tiến Đốn. Sau khi hoàn tất các nghi thức, đoàn rước lại khởi kiệu qua sông trở về Đền Và làm lễ yên vị Đức Thánh Tản.
Theo truyền thuyết lưu lại, đền Ngự Dội là nơi ghi dấu Đức Tản Viên Sơn Thánh một lần qua đây, đã sai người gánh nước sông Hồng để tắm gội. Nhân dân trong vùng sau đó đã lập đền thờ tại nơi này, lấy tên là đền Ngự Dội để ghi nhớ sự tích. Hằng năm, nhân dân lại tổ chức nghi lễ Mộc Dục và Tiến Đốn nhằm tái hiện sự tích trên một cách ước lệ theo tín ngưỡng dân gian, cứ 3 năm một lần lại phối hợp với nhân dân 7 tổ dân phố ở các phường: Trung Hưng, Viên Sơn, Phú Thịnh thuộc thị xã Sơn Tây tổ chức nghi thức rước liên vùng vào kỳ chính hội Đền Và.
Với những giá trị văn hóa lâu đời và độc đáo. Năm 2016, lễ hội Đền Và với các nghi thức linh thiêng mà trung tâm là lễ rước Tam Vị Thánh Tản qua sông, đã được ghi danh vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây Ngô Đình Ngũ cho biết: “Lễ hội đền Và được tổ chức không chỉ tưởng nhớ công ơn của Đức Thánh Tản; thể hiện ước nguyện của người dân về sự yên bình, ấm no, hạnh phúc, mà còn nhằm kết nối cộng đồng đôi bờ tả - hữu sông Hồng thông qua các hoạt động thiết thực hướng về nguồn cội, từ đó chung sức gìn giữ, lan tỏa các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc tới các thế hệ hôm nay và mai sau”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.