(HNM) - Đang trong cao điểm mùa mưa bão nhưng tại tuyến đê hữu Đà và hữu Hồng trên địa bàn huyện Ba Vì có nhiều điếm canh đê bị xuống cấp nghiêm trọng. Đáng nói, một số điếm canh vừa không đáp ứng yêu cầu phòng, chống lụt bão, vừa nằm ở vị trí gây mất an toàn giao thông.
Huyện Ba Vì có các tuyến đê hữu Đà, hữu Hồng dài 36,28km với 34 điếm canh đê. Trên tuyến đê hữu Đà dài 9,7km, có 9 điếm canh nằm trên địa bàn các xã Thuần Mỹ, Sơn Đà và Tòng Bạt. 5/9 điếm được xây mới từ năm 2010 và 2012. Còn lại các điếm số 5, 6, 7, 8 đang bị xuống cấp, tường nứt, bong vữa, thấm dột, cửa sổ, cửa ra vào bị hỏng; cao trình nền điếm thấp hơn mặt đê nên mỗi khi mưa, nước tràn vào trong. Tuyến đê hữu Hồng có tới 16/25 điếm được xây dựng từ những năm 1974, 1975, 1980… hiện cũng trong tình trạng tương tự.
Theo đánh giá của Hạt trưởng Hạt Quản lý đê Ba Vì Đào Quốc Vương, những điếm canh đê đã xuống cấp không bảo đảm an toàn cho lực lượng trực tại chỗ, nhất là trong mùa mưa lũ, đồng thời rất khó khăn cho công tác tuần tra, canh gác, nên việc phát hiện và xử lý sự cố đê điều cũng gặp một số khó khăn. Bên cạnh "tuổi thọ" lên tới 30-40 năm, các điếm canh đê còn nằm ở những vị trí ngay đầu dốc hoặc khúc cua đường đê, gây cản trở tầm nhìn, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn cho người tham gia giao thông. Đơn cử như tại địa bàn thôn Phong Châu (xã Phú Châu), điếm canh đê số 16 được xây dựng từ năm 1974, nằm ở ven đầu dốc đê hữu Hồng, bề mặt dốc đê hẹp, người tham gia giao thông đi từ dưới dốc lên và từ trên đê xuống bị khuất tầm nhìn vì điếm canh, dẫn đến mất an toàn giao thông.
“Chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay, đã có 4 vụ va chạm xe máy ở đây; một số ô tô tải khi qua dốc, va vào góc điếm làm lật mái panel, gây dột, vỡ tường, nguy cơ sập bất cứ lúc nào. Chức năng hiện nay của điếm chỉ chứa vật tư, không bảo đảm an toàn tính mạng cho người trực. Trước thực tế này, cách đây 5 năm, địa phương đã đề xuất với các cơ quan chức năng cho xây mới điếm cách vị trí cũ khoảng 50m nhưng chưa được giải quyết” - Trưởng thôn Phong Châu Đỗ Quang Chép cho biết.
Xã Phú Châu còn có điếm số 17 án ngữ hai đầu dốc, nằm ở điểm cua đê hữu Hồng, thuộc địa bàn thôn Phú Xuyên 2. Ở sau điếm, phía hạ lưu là dốc đi xuống một ngôi đình và chợ; phía thượng lưu là dốc đi xuống khu dân cư. Hằng ngày, các phương tiện tham gia giao thông khu vực này rất khó "nhìn thấy" nhau... Ngoài ra, điếm số 19 thuộc địa bàn thị trấn Tây Đằng cũng nằm ở đầu dốc đê, đoạn giao nhau với đường Phú Mỹ - đây là trục giao thông chính nối các xã ven đê với trung tâm huyện Ba Vì. Tương tự, tại địa phận thôn Khê Thượng (xã Sơn Đà), điếm canh đê số 6 vừa xuống cấp, vừa chắn ngay điểm cua đường đê hữu Đà, trực tiếp ảnh hưởng đến an toàn giao thông cho nhân dân địa bàn hai xã Sơn Đà, Tòng Bạt…
Ông Đào Quốc Vương cho biết, để bảo đảm hoạt động cho điếm canh đê, mỗi năm huyện Ba Vì hỗ trợ các xã 1,5 triệu đồng/điếm để cải tạo, sửa chữa, nhưng với số tiền ít ỏi này chỉ đủ để quét vôi tường, làm vệ sinh, không đủ sửa chữa hư hỏng lớn...
Để bảo đảm an toàn cho lực lượng canh gác đê, người tham gia giao thông và thực hiện tốt công tác phòng, chống lụt bão trên tuyến đê hữu Đà, hữu Hồng (huyện Ba Vì), rất cần sự quan tâm của các cấp, ngành chức năng tạo điều kiện để khắc phục tình trạng xuống cấp cũng như sự bất hợp lý của hệ thống điếm canh đê ở đây.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.