(HNM) - Trong khi các sản phẩm của những thương hiệu nước ngoài nổi tiếng như Louis Vuitton, Boss, Pierre Cardin, Valentino… vẫn được nhiều người lựa chọn thì không ít nhà sản xuất nội địa đã và đang tìm cách
Hàng hiệu nội địa xuất hiện trên thị trường đang tự khẳng định bằng mẫu mã đẹp, chất lượng tốt và... mức giá cao. Tuy nhiên…
Biti’s đã có sản phẩm cao cấp gosto, nhưng người tiêu dùng mới chỉ biết đến sản phẩm Biti’s quen thuộc. |
Dệt may - Âm thầm và lặng lẽ
Được coi là một "cường quốc dệt may" nhưng đến thời điểm này, hầu hết doanh nghiệp dệt may trong nước mới chỉ làm gia công rồi xuất khẩu, hàm lượng giá trị gia tăng trong một sản phẩm rất thấp hoặc... không có. Trên thị trường nội địa, đặc biệt là ở phân khúc hàng cao cấp - "hàng hiệu" - hầu như chỉ có các thương hiệu nước ngoài (mà nguồn gốc xuất xứ thường… không bảo đảm). Tuy nhiên, vài năm trở lại đây các nhà sản xuất nội địa đã tìm cách đưa nhóm hàng này ra thị trường. An Phước là một trong những cái tên tiên phong với nhiều mặt hàng như vest nam nữ, sơ mi nam nữ, giày tây... với phương châm "luôn hướng tới đỉnh cao chất lượng". Một trong những sản phẩm nổi tiếng của An Phước được đông đảo người tiêu dùng lựa chọn là nhãn hàng Pierre Cardin - sản xuất theo hình thức nhượng quyền. Giá sản phẩm khá đa dạng, dao động từ vài trăm nghìn đến cả triệu đồng một cái áo sơ mi hoặc quần…
Tuy đi sau An Phước, Công ty May Việt Tiến lại liên tục cho ra mắt nhiều sản phẩm mới, chẳng hạn sơ mi nam Mattana, Sanciaro… với những mức giá khá đa dạng và thông thường để mua, người tiêu dùng phải bỏ ra tiền triệu.
Hiện nay, những sản phẩm hàng hiệu nội địa như của An Phước, Viettien... đã và đang xuất hiện ngày càng nhiều ở các trung tâm thương mại lớn ở Hà Nội như Vincom, Parkson…
Từ giày, túi xách… Made in Vietnam bạc triệu...
Đầu năm 2008, nhà sản xuất Biti's đã gây ngạc nhiên khi đưa ra thị trường nhiều sản phẩm da cao cấp với thương hiệu goSto. Có những sản phẩm, như túi xách goSto có giá 8 triệu đồng, đắt… không thua sản phẩm cùng loại của các thương hiệu ngoại nhập nổi tiếng như Salvatore, Luis Vuiton… Nhãn hiệu thời trang cao cấp gồm giày dép, ví này được khá đông người tiêu dùng, đặc biệt là giới trẻ lựa chọn. Hoặc một nhà sản xuất khác là Công ty TNHH Tồn Phát cũng có những sản phẩm giá cả trên giời như túi xách da cá sấu giá 16 triệu đồng…
Điểm đặc biệt là hầu hết những sản phẩm này đều tự tin ghi rõ nơi xuất xứ: Made in Vietnam.
... đến "vua gốm sứ"
Cách đây chưa lâu, Công ty Gốm sứ Minh Long 1 đã giới thiệu ra thị trường một loạt sản phẩm, đúng hơn là các tác phẩm gốm sứ. Giá cả dao động từ 3,1 đến gần... 80 triệu đồng/sản phẩm. Những sản phẩm thượng hạng, trước hết là giá cả và sau đó là mẫu mã này là kết quả ứng dụng công nghệ vẽ màu ở nhiệt độ 1.250oC đầu tiên trên thế giới, đường nét trên tác phẩm nguyên vẹn, sản phẩm có độ bóng, sáng, lớp men có chiều sâu cũng như gốm nhẹ, kêu.
Trên thực tế, gốm sứ Minh Long 1 đã hoàn toàn chiếm lĩnh thị trường tiêu dùng ở nhóm hàng tiêu dùng cao cấp, đánh bạt các sản phẩm Giang Tây Trung Quốc hay đồ sứ Mỹ, Nhật Bản… nhập khẩu. Tại các trung tâm thương mại lớn ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng… sản phẩm của Minh Long luôn được bán rất chạy. Hiện tại, Minh Long 1 là một trong những doanh nghiệp hàng đầu về sản xuất gốm sứ với những dòng sản phẩm cao cấp với hơn 15.000 chủng loại, riêng hàng xuất khẩu có tới 3.000 mẫu mã. Khẩu hiệu được thương hiệu gốm sứ này lựa chọn là "Tinh hoa từ đất, tinh xảo từ người". Không chỉ tiêu thụ nội địa, công ty đã xuất khẩu tại các thị trường trước nay vốn nổi tiếng với gốm sứ như Nhật, Mỹ... và hiện vẫn tiếp tục hướng tới những thị trường khó tính với chiến lược đẩy mạnh phát triển phân khúc "hàng hiệu".
Thời của "hàng hiệu" nội?
Đánh giá về nhãn "hàng hiệu" của Biti's, bà Nguyễn Thị Tòng, Phó Chủ tịch Hiệp Hội Da - Giày Việt Nam cho rằng, việc các công ty sau khi đã sản xuất ổn định, tìm tòi mở ra những phân khúc hàng cao cấp, mang lại giá trị gia tăng cao là cần thiết, nhất là trong điều kiện ngày càng có nhiều người thu nhập cao...
Điều này phù hợp với không chỉ riêng ngành hàng da giày. Tuy nhiên, cách làm thương hiệu của nhiều hãng còn nhiều điều chưa ổn, chẳng hạn dường như không nhiều nhà sản xuất trả lời được câu hỏi "thế nào là hàng hiệu?". Hàng hiệu chỉ thuần túy là quảng bá rùm beng hay giá thật cao, bán thật đắt?. Trong khi đó, để sản phẩm từ lúc được "khai sinh" đến lúc được đông đảo lựa chọn không thể chỉ trong một sớm một chiều.
Sau một thời gian triển khai, cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" đã thu được nhiều kết quả tích cực. Theo khảo sát tiêu dùng dịp Tết Nguyên đán vừa qua, hàng nội đã chiếm ưu thế trên thị trường. Nhưng với riêng phân khúc "hàng hiệu" nội địa, bao giờ "hàng hiệu" nội địa mới đến thời được như thế này?
Dù sao đi nữa, đây vẫn là một hướng đi cần được khuyến khích khi hầu như doanh nghiệp Việt Nam nào mới chỉ đang lo giành lại thị phần "sân nhà" cũng đã... toát mồ hôi hột.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.