(HNMO) - Theo số liệu của Cục Đầu tư Nước ngoài, đến tháng 11/2015, cả nước có 1.855 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư (GCNĐT) với tổng vốn đăng ký là 13,55 tỷ USD, tăng 1,1% so với cùng kỳ năm 2014.
Nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành lĩnh vực, trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo là lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài với 892 dự án đầu tư đăng ký mới và 491 lượt dự án tăng vốn, với tổng số vốn cấp mới và tăng thêm là 12,9 tỷ USD, chiếm 64% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Lĩnh vực sản xuất, phân phối điện đứng thứ hai với hai với 8 dự án đăng ký cấp mới và 6 lượt dự án tăng vốn với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 2,77 tỷ USD, chiếm 13,7% tổng vốn đầu tư. Đứng thứ ba là lĩnh vực kinh doanh bất động sản với 29 dự án đầu tư mới và 10 lượt dự án tăng vốn, tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 2,32 tỷ USD chiếm 11,5% tổng vốn đầu tư.
Tổ hợp văn phòng, khách sạn, trung tâm thương mại Lotte là một trong những dự án đầu tư của Hàn Quốc tại Hà Nội. |
Tuy nhiên, thay vì đem vốn từ bên ngoài vào, phần lớn vốn cam kết đầu tư tại nhiều dự án được huy động ngay tại Việt Nam. Theo đó, vốn cam kết FDI vào bất động sản từ đầu năm đến nay là 2,1 tỷ USD, song lượng vốn thực mà nhà đầu tư nước ngoài mang vào Việt Nam sẽ ít hơn nhiều. Theo Hiệp hội Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài Việt Nam, việc huy động vốn trong nước của nhà đầu tư nước ngoài thực tế không vi phạm các quy định pháp luật song mục đích thu hút dòng vốn từ bên ngoài vào trong nước của Chính phủ sẽ không đạt được.
Để tránh việc thu hút dòng vốn ồ ạt, theo một số chuyên gia, năm 2016, Chính phủ nên ưu tiên cho các dự án áp dụng công nghệ xanh trong các tòa nhà để bảo vệ môi trường. Cùng với đó là hướng dòng vốn đầu tư bất động sản nước ngoài vào các dự án khách sạn, nghỉ dưỡng hơn là vào các khu đô thị.
Hiện đã có 57 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam. Hàn Quốc dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 6,3 tỷ USD, chiếm 31,6% tổng vốn đầu tư tại Việt Nam. Malaysia đứng vị trí thứ hai với số vốn là 2,53 tỷ USD chiếm 12,5% tổng vốn đầu tư, Nhật Bản đứng vị trí thứ ba với số vốn đầu tư là 1,72 tỷ USD chiếm 8,5% tổng vốn đầu tư.
Tính theo địa bàn đầu tư, hiện các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 49 tỉnh thành phố, trong đó Bắc Ninh dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 3,46 tỷ USD, chiếm 17,2% tổng vốn đầu tư đăng ký. TP Hồ Chí Minh đứng thứ hai với tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 2,99 tỷ USD, chiếm 14,8%. Trà Vinh đứng thứ ba với tổng số vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm 2,52 tỷ USD, chiếm 12,5% tổng vốn đầu tư.
Một số dự án lớn mới được cấp phép: - Dự án Cty SamSung Display Việt Nam với số vốn đầu tư tăng thêm là 3 tỷ USD; dự án này được cấp phép năm 2014 với số vốn đầu ban đầu là 1 tỷ USD; dự án được đầu tư tại KCN Yên Phong 1, Bắc Ninh với mục tiêu sản xuất, lắp ráp, gia công, tiếp thị hoặc bán các loại màn hình. - Dự án Nhà máy điện Duyên Hải 2 với tổng vốn đầu tư là 2,4 tỷ USD do Công ty Janakuasa Sdn. Bhd – Malaysia đầu tư tại tỉnh Trà Vinh với mục tiêu Thiết kế, xây dựng, vận hành và chuyển giao một nhà máy nhiệt điện đốt than, công suất khoảng 1.200 MW (bao gồm hai tổ máy với công suất thiết kế 600 MW mỗi tổ máy). - Dự án Cty TNHH liên doanh thành phố Đế Vương tổng vốn đầu tư là 1,2 tỷ USD do Cty cổ phần bất động sản Tiến Phước và Cty TNHH bất động sản Trần Thái Liên doanh với nhà đầu tư Denver Power Ltd - Vương quốc Anh dự án đầu tư tại TP Hồ Chí Minh vào lĩnh vực hoạt động kinh doanh bất động sản. - Dự án Cty TNHH Hyosung Đồng Nai tổng vốn đầu tư 660 triệu USD do nhà đầu tư Thổ Nhĩ Kỳ đầu tư tại Khu công nghiệp Đồng Nai với mục tiêu sản xuất và gia công các loại sợi. - Dự án Xây dựng cầu Bạch Đằng, đường dẫn và nút giao cuối tuyến theo hình thức BOT với tổng vốn đầu tư của dự án là 343,6 triệu USD đầu tư tại tỉnh Quảng Ninh. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.