(HNM) - Theo Tổng cục Thống kê, nhập siêu tháng 3 ước tính khoảng 1,15 tỷ USD, kéo theo tổng nhập siêu quý I-2011 lên hơn 3 tỷ USD ( trong đó, kim ngạch xuất khẩu quý I đạt 19,245 tỷ USD, tăng 33,7% so cùng kỳ năm 2010; nhập khẩu 22,274 tỷ USD, tăng 23,8%).
Tình trạng nhập siêu quá lớn từ một số thị trường thế giới do nước ta trong giai đoạn đang đầu tư phát triển, đầu tư cho sản xuất, với phần nhiều máy móc phải nhập khẩu, hoặc do sản xuất chưa đủ, hay chưa tự sản xuất được... đã đẩy thâm hụt thương mại của nước ta ngày càng tăng. Vậy, làm thế nào để hạn chế tình trạng này?
Mỹ phẩm là một trong những mặt hàng nhập khẩu chính vào nước ta. Ảnh: Khánh Nguyên
Hiện nay, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản là những thị trường cung cấp nhiều loại hàng hóa nhất cho Việt Nam, từ đó đã đẩy thâm hụt thương mại của nước ta với các nước nói trên ngày càng lớn. Các mặt hàng nhập khẩu chính của nước ta từ các nước nói trên là nhóm hàng nguyên phụ liệu của ngành dệt may, da giày; máy móc thiết bị, linh kiện điện tử; sắt thép; ô tô, xe máy nguyên chiếc; linh kiện ô tô; chất dẻo nguyên liệu; xăng dầu các loại; mỹ phẩm; đồ dùng gia đình...
Theo các chuyên gia, để hạn chế tình trạng nhập siêu, cần phải xây dựng hàng rào kỹ thuật. Đặc biệt, cần phân tích rõ cơ cấu nhập khẩu số lượng lớn hàng tiêu dùng không thiết yếu, để biết được những mặt hàng nào trực tiếp phục vụ sản xuất và những mặt hàng gì chỉ phục vụ cho cuộc sống hằng ngày của người dân. Trên cơ sở đó, cơ quan quản lý sẽ định hướng chính sách rà soát để có cơ sở cấp vốn vay nhập hàng, cũng như sử dụng các biện pháp khác, trong đó có việc cấp giấy phép tự động, nhằm hạn chế nhập khẩu những mặt hàng tiêu dùng không thiết yếu. Việc tăng các rào cản thuế và phi thuế đối với hàng nhập khẩu không thiết yếu phục vụ sản xuất tiêu dùng phải tuân thủ lộ trình giảm thuế đã cam kết. Cụ thể, rà soát lại các khoản thuế, dòng thuế với các hàng hóa nhập khẩu, nhất là nhóm hàng hạn chế nhập khẩu và áp dụng đến mức cao nhất mà lộ trình của WTO đã cam kết cho phép; nghiên cứu, áp dụng các rào cản phi thuế như các rào cản kỹ thuật, biện pháp vệ sinh và an toàn thực phẩm, biện pháp tự vệ, trợ cấp hoặc biện pháp đối kháng theo đúng những điều kiện mà WTO đã quy định. Ngoài ra, cần tăng cường kiểm tra giá tính thuế hàng nhập khẩu trong khâu thông quan, thông qua việc đưa vào danh mục quản lý rủi ro từ 13 nhóm mặt hàng, lên 20 nhóm mặt hàng vào cuối năm 2011. Ban hành quy chế xây dựng, thu thập, cập nhật và cơ sở dữ liệu về danh mục hàng hóa, biểu thuế và phân loại, áp dụng mức thuế đối với hàng hóa xuất nhập khẩu. Đặc biệt, ngành chức năng cần tăng cường kiểm tra sau thông quan, thanh tra việc phân loại hàng hóa, áp dụng mức thuế với hàng hóa đã thông quan và thông báo sớm kết quả đã kiểm tra, thanh tra về phân loại hàng hóa cho khâu thông quan để các DN có biện pháp điều chỉnh kịp thời... Như vậy, đã đến lúc Nhà nước phải đánh thuế cao với nhóm mặt hàng xa xỉ. Hiện, quy định của WTO không cấm chúng ta đánh thuế cao, mà quan trọng là chúng ta có thực thi biện pháp này hay không, hoặc chí ít có thể sử dụng các biện pháp khác mà không vi phạm quy định của WTO như tạo thủ tục hành chính thuế, hải quan khắt khe hơn đối với các mặt hàng tiêu dùng xa xỉ như đã nói ở trên. Đặc biệt, các ngành chức năng có thể đặt ra các tiêu chuẩn kỹ thuật, an toàn môi trường, hay các biện pháp khác như hạn chế ngoại tệ, hạn chế cho vay để nhập khẩu hàng xa xỉ không cần thiết...
Sớm làm tốt những vấn đề nêu trên, hy vọng sẽ hạn chế được tình trạng nhập siêu, cán cân thương mại sẽ cân bằng.
Theo thống kế của ngành chức năng, nhập khẩu hàng hóa trong tháng 3 tiếp tục tăng mạnh, nhất là ô tô và xe máy nguyên chiếc. Từ đầu năm đến trung tuần tháng 3 đã có 12.176 chiếc ô tô và 21.648 chiếc xe máy được nhập khẩu... |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.