Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hai mặt của một vấn đề “nóng”

Thế Phương| 28/02/2013 06:29

(HNM) - Báo chí đưa tin, mới đây, tại xóm 3, xã Nghi Diên, huyện Nghi Lộc (Nghệ An), một nhóm côn đồ gồm 4 đối tượng trang bị dao, kiếm đập vỡ cửa kính, bàn ghế, ti vi của nhà anh Nguyễn Quốc Hồng và ném đá làm anh bị thương ở mặt.

Trước Tết Nguyên đán, làm việc với ban lãnh đạo một thành phố lớn, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu: Người dân cho rằng kinh tế có thể yếu kém nhưng yêu cầu của họ là cuộc sống bình an. Yêu cầu này rất cấp bách nên chúng ta phải làm vì giờ ra đường là sợ tai nạn giao thông, sợ cướp giật, sợ đe dọa tính mạng, sợ trộm cắp.... Phó Thủ tướng chỉ đạo: Cần đánh trúng, đánh liên tục, hiệu quả vào các loại tội phạm.

Và cuối cùng, phải có người chịu trách nhiệm, không nói chung chung. Bí thư, chủ tịch, trưởng công an các địa phương phải chịu trách nhiệm về tình hình an ninh trật tự trên địa bàn… Cũng trong cuộc làm việc này, lãnh đạo Bộ Công an yêu cầu cần đặc biệt chú ý phát hiện nạn bảo kê tội phạm…

Thực tế, các cơ quan chức năng đã đưa ra nhiều giải pháp, thực hiện nhiều đợt ra quân trấn áp tội phạm và đã thu được những thành công đáng khích lệ. Thế nhưng, ở nơi này, nơi kia vẫn có tình trạng cơ quan chức năng chưa làm hết trách nhiệm, để cho tội phạm lộng hành mà trường hợp nêu trên tại xã Nghi Diên, huyện Nghi Lộc (Nghệ An) là một ví dụ.

Nhiều người được trao chức trách nhưng không hoàn thành trách nhiệm bảo vệ xã hội, bảo vệ người dân, do vậy, khó có thể trách cứ người dân, nếu họ vì sự an toàn của bản thân mà đành phải quay đi trước cái ác và nỗi đau của đồng loại. Vấn đề rất đáng phải suy nghĩ là một khi con người không tự bảo vệ được mình trước cái xấu, cái ác, họ sẽ không tin ai khác. Khi con người mất niềm tin sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy, căn bệnh vô cảm sẽ lây lan trong cộng đồng, cái xấu, cái ác sẽ ngày càng nhiều hơn...

Bệnh vô cảm không phải là tội ác, nhưng chính nó là con đường dẫn đến tội ác… Vô cảm chính là một thứ ung thư tâm hồn, nó tàn phá nhân cách và đạo đức của con người, từ đó, phá hủy cốt cách văn hóa của dân tộc và gây hệ lụy cho toàn bộ nền kinh tế. Một nhà văn đã nói: "Nơi lạnh nhất không phải là Bắc cực mà là nơi không có tình thương". Trong lòng một dân tộc có truyền thống nhân văn: "Lá lành đùm lá rách", "Thương người như thể thương thân"… lại có những người làm ngơ trước cái ác, làm ngơ trước nỗi đau của ngay cả những người hàng xóm mà cổ nhân đã dạy "Bán anh em xa, mua láng giềng gần". Đây là điều rất đáng phải day dứt và suy nghĩ.

Tình hình tội phạm sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, do vậy, đẩy mạnh các biện pháp trấn áp là yêu cầu cấp thiết vì sự bình yên của cuộc sống. Với các cơ quan chức năng, đã đến lúc không thể "nói chung chung" về trách nhiệm khi để tội phạm hoành hành. Con người không thể vô cảm với đồng loại; những người có trách nhiệm bảo vệ pháp luật càng không thể vô cảm với chức phận và cái ác. Loại trừ cái ác và loại trừ căn bệnh vô cảm cần được xem là hai mặt của một vấn đề "nóng" trong xã hội hôm nay. Lên án những hành động vô cảm là cần thiết nhưng cũng cần tạo môi trường cho người dân có thể chia sẻ, giúp đỡ người khác mà không gặp nguy hiểm. Điều quan trọng hơn, mỗi người phải có trách nhiệm hơn với cộng đồng và giữ cho mình một trái tim biết cảm thông, chia sẻ, biết rung cảm với mọi người.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hai mặt của một vấn đề “nóng”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.