Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hài hòa lợi ích khi tăng học phí đại học

Bích Ngọc| 24/06/2020 06:34

(HNM) - Từ đầu tháng 6-2020 đến nay, nhiều trường đại học tự chủ tài chính tại thành phố Hồ Chí Minh đã công bố mức học phí dự kiến cho năm học 2020-2021, cao hơn so với mức học phí năm học 2019-2020. Yêu cầu đặt ra hiện nay là dù các trường tăng học phí nhưng cũng cần tính toán kỹ lưỡng để hài hòa lợi ích các bên, nhất là bảo đảm cơ hội học tập của các đối tượng.

Trường Đại học Y dược thành phố Hồ Chí Minh công bố mức học phí dự kiến mới, từ 30 triệu đồng đến 70 triệu đồng/năm, tùy ngành học.

Nhiều trường công bố mức học phí mới

Trước thềm năm học 2020-2021, nhiều trường đại học ở thành phố Hồ Chí Minh đã công bố mức học phí mới. Điển hình như mức học phí mới của Khoa Y, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh từ mức 50-80 triệu đồng/năm lên 55-88 triệu đồng/năm. Học phí của Trường Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh từ 17,5-43,7 triệu đồng/năm lên 18-49,5 triệu đồng/năm...

Nhưng gây chú ý nhất là Trường Đại học Y Dược thành phố Hồ Chí Minh, khi công bố mức tăng học phí từ 13 triệu đồng/năm lên 30-70 triệu đồng/ năm, tùy ngành học. Lý giải về điều này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Diệp Tuấn, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, từ năm học 2020-2021, nhà trường thực hiện tự chủ tài chính, không còn 130 tỷ đồng/năm cấp từ ngân sách nhà nước. Nếu thu mức học phí như cũ là 13 triệu đồng/năm, với hơn 9.000 sinh viên, nhà trường sẽ khó khăn trong việc vừa trả lương cho cán bộ, giáo viên vừa nâng cao chất lượng đào tạo.

Thông tin tăng học phí của một số trường đại học khiến không ít phụ huynh lo lắng. Chị Lương Minh Thu, 48 tuổi, ngụ tại phường Tân Quy, quận 7, chia sẻ: “Con trai tôi năm nay dự định đăng ký vào Trường Đại học Y Dược thành phố Hồ Chí Minh, nhưng với mức học phí trung bình 48 triệu đồng/năm, gia đình sẽ phải cân nhắc”.

Thực tế, từ năm 2014, một số trường đại học đã thực hiện Nghị quyết số 77/NQ-CP ngày 24-10-2014 của Chính phủ về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập giai đoạn 2014-2017, trên tinh thần giảm dần sự bao cấp từ ngân sách. Sau giai đoạn thí điểm này, đã có hơn 20 trường đại học trên cả nước thực hiện cơ chế tự chủ tài chính.

Trao đổi về việc này, Giáo sư, Tiến sĩ Lê Đông Phong, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh (là một trong hơn 20 trường thực hiện chủ trương trên) cho biết, nhà trường không nhận tiền từ ngân sách và được tự quyết định mức học phí đại trà cùng mức học phí cụ thể đối với một số chương trình học đặc thù, sao cho mức học phí bình quân của toàn trường không quá mức học phí đại trà theo quy định.

Hiện tại, không chỉ các trường đại học tự chủ tài chính mà các trường đại học công lập (không tự chủ tài chính) cũng đưa ra chương trình đào tạo với mức học phí cao hơn mức chung để tăng nguồn thu, đáp ứng nhu cầu người học. Trong số này, Trường Đại học Kinh tế luật (Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh) có học phí đại trà 9,8 triệu đồng/năm, nhưng chương trình đào tạo chất lượng cao bằng tiếng Anh có mức học phí tới 46,7 triệu đồng/năm. Lý do được đưa ra là nhà trường đa dạng hóa các hình thức đào tạo theo nhu cầu của người học.

Hài hòa lợi ích các bên

Trước những lo lắng việc nhiều gia đình học sinh hiện nay không đáp ứng được kinh phí để theo học đại học tự chủ tài chính, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh cho biết, trong 3 năm tự chủ tài chính vừa qua, nhà trường không gặp khó khăn trong tuyển sinh.

“Nếu tính đúng, tính đủ, học phí một số ngành sẽ rất cao, nhưng trường sẽ gặp nguy cơ không có người học. Chúng tôi xây dựng mức học phí vừa bảo đảm hoạt động của trường, vừa không gây khó cho sinh viên”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Văn Dũng nói.

Về phía Trường Đại học Y Dược thành phố Hồ Chí Minh, song song với việc tăng học phí, nhà trường có chương trình học bổng hỗ trợ sinh viên nghèo học giỏi. Cụ thể, trong tổng số 2.100 chỉ tiêu đại học năm nay, trường dự kiến trao 800 suất học bổng (25%-100% học phí). “Nhưng để thu hút sinh viên theo học ngành Y thì một mình nhà trường nỗ lực là không đủ. Nhà nước có thể đặt hàng đào tạo sinh viên và cấp kinh phí. Chúng tôi sẵn sàng nhận nhiệm vụ này”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Diệp Tuấn khẳng định.

Dù vậy, các nhà trường khi tăng học phí vẫn cần tính toán kỹ lưỡng để hài hòa lợi ích các bên, nhất là bảo đảm cơ hội học tập của các đối tượng. Trao đổi thêm về vấn đề này, ông Bùi Văn, nguyên giảng viên Chương trình Đào tạo kinh tế, Trường Đại học Fulbright Việt Nam cho rằng, Nhà nước cần đóng vai trò “trọng tài” để xác định ngành nào cần bao cấp đào tạo, ngành nào phải tự chủ. Sinh viên cần căn cứ nhu cầu và khả năng của mình để lựa chọn.

Còn Giáo sư Lê Vinh Danh, Hiệu trưởng Trường Đại học Tôn Đức Thắng nhận định: Tự chủ đại học là xu thế chung, khó đảo ngược. Tuy nhiên, dù tự chủ hay không, trường đại học nào có chất lượng sinh viên đầu ra tốt, có cơ chế tài chính minh bạch, linh hoạt sẽ tạo nên thương hiệu vững chắc, tiếp tục thu hút người học.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hài hòa lợi ích khi tăng học phí đại học

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.