(HNM) - Chợ đầu mối, chợ hạng I theo quy định của Nhà nước là những chợ có vai trò thu hút lượng hàng hóa lớn từ các nguồn sản xuất; có quy mô trên 400 điểm kinh doanh, xây dựng kiên cố, theo quy hoạch, tổ chức đầy đủ các dịch vụ liên quan, nằm ở vị trí trung tâm kinh tế thương mại quan trọng của tỉnh, thành phố... Do vậy, phát huy hiệu quả của những chợ thuộc diện này có vai trò hết sức quan trọng không chỉ đối với việc phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô, mà còn là hoạt động có ý nghĩa dân sinh thiết thực.
Thực tế, phải bàn đến chuyện “phát huy hiệu quả” của chợ đầu mối, chợ hạng I cũng là bởi nhiều chợ thuộc diện này thời gian qua đã rơi vào cảnh hoạt động thưa vắng, èo uột, đầu tư không hiệu quả, lúng túng về hướng đi… Thậm chí, như nhận định của Sở Công Thương Hà Nội thì tại hai chợ đầu mối và 6 chợ có tính chất đầu mối trên địa bàn thành phố, nguồn hàng chưa được kiểm soát chặt chẽ về an toàn thực phẩm. Rõ ràng, chợ hoạt động không hết công suất, thiếu hiệu quả là một lãng phí lớn về kinh tế. Ngay cả những chợ hoạt động đều với một vài trăm tấn hàng qua lại mỗi ngày, mà việc kiểm soát về an toàn thực phẩm còn lỏng lẻo thì hậu quả cũng thật khó lường…
Nhận rõ vai trò của chợ trong đời sống kinh tế - xã hội của thành phố, nhiều hoạt động đầu tư cho mô hình chợ truyền thống nói chung đã được triển khai, nhưng còn nhiều ngổn ngang, lúng túng. Có nơi, nhà đầu tư bỏ cuộc; có nơi tiểu thương không đồng thuận; nơi khác hoạt động trong tình trạng cầm chừng…
Vượt qua những tồn tại của mô hình chợ trong cuộc sống hiện đại, tìm ra hướng đi cho mô hình chợ nói trên cho thấy phải giải quyết hài hòa nhiều mối quan hệ. Đó là mối quan hệ giữa lợi ích nhà đầu tư và lợi ích lâu dài của tiểu thương, người dân, thành phố; giữa phương thức kinh doanh cũ với yêu cầu mới về quản lý, vận hành chợ; giữa nếp bán mua xa xưa với thói quen mới trong sinh hoạt ở đô thị văn minh…
Chợ xập xệ, mất vệ sinh, không an toàn về phòng cháy chữa cháy, thiếu dịch vụ hậu cần… thì khó có thể đáp ứng nhu cầu trao đổi hàng hóa lớn, cũng như quản lý tốt chất lượng hàng hóa. Cũng như vậy, nếu “phần xác” của chợ là cơ sở vật chất, điều kiện diện tích, dịch vụ thì “phần hồn” phải là cung cách hoạt động, quản lý, quy tắc ứng xử riêng. Muốn thế, các "công cụ" quản lý đi kèm như truy xuất nguồn gốc thực phẩm, kiểm tra loại bỏ hàng hóa không có nguồn gốc rõ ràng, tẩy chay phương thức kinh doanh chụp giật… phải được áp dụng triệt để. “Đi buôn nhớ phường, đi đường nhớ lối” - tiểu thương không thể hoạt động đơn lẻ, và chợ đầu mối, chợ quy mô lớn trên 400 điểm kinh doanh phải lắng nghe, tính đến sự ủng hộ, đồng lòng của lực lượng này.
Quy hoạch mạng lưới bán buôn, bán lẻ trên địa bàn TP Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã được UBND TP Hà Nội phê duyệt nêu rõ việc xây dựng 5 chợ đầu mối với diện tích từ 20ha đến 30ha. Đây là điều kiện tốt để thành phố có được những mô hình chợ hiện đại, đáp ứng nhu cầu người dân và góp phần thúc đẩy giao thương, phát triển sản xuất. Tuy nhiên, như trên đã nói, việc xác định mô hình, phương thức vận hành, phân cấp quản lý chợ phải được nghiên cứu kỹ trước khi đưa vào triển khai.
Còn trước mắt, theo Kế hoạch 197/KH-UBND, ngày 5-9-2017, của UBND thành phố về Giám sát hiệu quả một số chợ hạng I, chợ đầu mối trên địa bàn TP Hà Nội, thì các sở ngành, địa phương, đơn vị liên quan sẽ có những đánh giá, tổng hợp đề xuất cụ thể làm cơ sở cho các chợ thuộc diện này tìm được hướng đi, phát triển mạnh hơn trong thế hài hòa những lợi ích kể trên.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.