Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hài hòa giữa truyền thống và hiện đại

Hoàng Lê| 28/06/2019 09:20

(HNMCT) - Năm 2019, Ngày Gia đình Việt Nam (28-6) có chủ đề “Giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa ứng xử tốt đẹp trong gia đình”. Năm nay, các hoạt động tuyên truyền tập trung làm rõ ý nghĩa của văn hóa ứng xử trong gia đình đối với công tác xây dựng gia đình tiến bộ, hạnh phúc.


Đề cập tới vấn đề văn hóa ứng xử là đúng, bởi đó là nhân tố hàng đầu quyết định sự bền vững của gia đình - “tế bào của xã hội”, có ảnh hưởng rất lớn tới sự phát triển của đất nước cũng như việc thực hiện chủ trương, chính sách liên quan tới sức khỏe giống nòi, công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe trẻ em, phụ
nữ và người cao tuổi...

Tại hội nghị tổng kết 10 năm triển khai thực hiện Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (2008-2018) diễn ra vào cuối năm ngoái, theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, bạo lực gia đình là nguyên nhân dẫn đến 80% số vụ ly hôn mỗi năm, gây thiệt hại kinh tế tương đương 1,77% GDP; 58% số phụ nữ đã kết hôn tham gia trả lời phỏng vấn nói rằng họ từng trải qua ít nhất 1 trong 3 hình thức bạo lực thường thấy trong gia đình (bạo lực về thân thể, bạo lực tình dục, bạo lực tinh thần)...

Xem xét các vụ việc đã xảy ra cũng như các hình thức bạo lực hiện hữu, có thể thấy các vụ việc không hoàn toàn xuất phát từ mâu thuẫn không thể điều hòa. Nhiều vụ bạo lực có nguyên nhân từ cách ứng xử không phù hợp của các thành viên trong gia đình, khi sự thấu hiểu, cảm thông, chia sẻ không đồng thời đến từ các phía. Từ những trường hợp đáng tiếc đó, dễ thấy rằng văn hóa ứng xử giữ vai trò quan trọng như thế nào.

Trong vấn đề giữ gìn, phát huy truyền thống văn hóa ứng xử, cần xác định rằng chuẩn mực tạo nên văn hóa gia đình Việt Nam, giữ vai trò điều tiết mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình, không phải là bất biến. Những tiêu chuẩn, giá trị, chuẩn mực có thể thay đổi qua thời gian, do ảnh hưởng của môi trường tự nhiên, môi trường xã hội cũng như điều kiện kinh tế của đất nước. Bởi vậy, giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa ứng xử trong gia đình là quá trình điều chỉnh theo hướng giữ gìn những gì tốt đẹp và bổ sung yếu tố mới phù hợp một cách hài hòa.

Chẳng hạn, trong xã hội hiện đại, văn minh thì không thể duy trì lối ứng xử áp đặt “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”, không thể kết “tội” không lấy vợ là "bất hiếu" và cũng không thể chấp nhận cách nhìn nhận bất bình đẳng “nam tôn, nữ ti”, người phụ nữ tự trói mình trong “tam tòng, tứ đức”. Giờ đây, mối quan hệ giữa chồng và vợ là bình đẳng, bố mẹ không thể áp dụng lối giáo dục con cái dựa vào đòn roi và việc nhà không còn là của riêng phái yếu...

Ngược lại, trong thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, nhiều giá trị, chuẩn mực ứng xử mang tính truyền thống là sợi dây kết nối các thành viên trong gia đình, kết nối các gia đình với nhau. Những chuẩn mực đó hình thành trên cơ sở giá trị đạo đức, đem lại sự gắn kết gia đình dựa trên tình nghĩa, đức hy sinh, sự thủy chung, lòng hiếu thảo, là cơ sở ngăn chặn bạo lực và giúp xây dựng tình làng nghĩa xóm, tình yêu quê hương, đất nước...

Giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa ứng xử tốt đẹp trong gia đình Việt Nam không phải là công việc đơn giản. Thời hiện đại, nhịp sống gấp gáp, lối sống thực dụng và áp lực kiếm tiền có thể phá hủy những giá trị, chuẩn mực đã được xây dựng, bồi đắp qua hàng nghìn năm. Sợi dây liên kết trở nên lỏng lẻo, giá trị đạo đức bị xói mòn sẽ dẫn đến xung đột gia đình, mâu thuẫn vợ chồng, xuất hiện hành vi bạo lực thân thể hay bạo lực tinh thần giữa các thành viên trong gia đình, giữa thành viên của các gia đình với nhau...

Bối cảnh đó đặt ra yêu cầu mới, không chỉ là tăng cường tuyên truyền về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác gia đình, tuyên truyền về tầm quan trọng của việc giữ gìn, phát huy truyền thống văn hóa ứng xử tốt đẹp, mà còn là triển khai có hiệu quả Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Trẻ em... Việc lớn khó thành nếu xã hội không cùng vào cuộc với tâm thế đúng, rằng sự khỏe mạnh của từng “tế bào xã hội” liên quan mật thiết đến sự cường thịnh của đất nước.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hài hòa giữa truyền thống và hiện đại

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.