Ngày 24-11, trong bối cảnh những lo ngại về tình hình tài chính ngày càng tăng, Hạ viện Nhật Bản đã thông qua ngân sách bổ sung trị giá khoảng 13,1 nghìn tỷ yên (tương đương 88 tỷ USD), nhằm giúp các hộ gia đình đối phó với chi phí sinh hoạt đắt đỏ và hỗ trợ các tập đoàn thúc đẩy đầu tư trong nước.
Chính phủ Nhật Bản có kế hoạch phát hành khoảng 8,9 nghìn tỷ yên trái phiếu mới trong ngân sách bổ sung để tài trợ cho gói kinh tế bao gồm cắt giảm thuế thu nhập tạm thời, hỗ trợ những gia đình thu nhập thấp, trợ cấp để giảm chi phí hóa đơn xăng dầu và các tiện ích.
Chính phủ cũng sẽ phân bổ khoảng 2 nghìn tỷ yên với mục đích hỗ trợ những nỗ lực thúc đẩy ngành công nghiệp chip, đánh dấu động thái mới nhất của Nhật Bản nhằm lấy lại vị thế trong lĩnh vực quan trọng này.
Đợt phát hành bổ sung sẽ nâng tổng số phát hành trái phiếu Chính phủ Nhật Bản (JGB) trong năm tài chính hiện tại lên khoảng 44,5 nghìn tỷ yên. Dự luật ngân sách bổ sung sẽ được gửi lên Thượng viện để tiếp tục thảo luận, trước khi được phê duyệt vào đầu tuần tới.
Theo Reuters, kế hoạch chi tiêu này làm dấy lên lo ngại về nguy cơ gây căng thẳng hơn nữa cho tình hình tài chính của Nhật Bản và có thể làm chệch mục tiêu cân bằng ngân sách cơ bản của chính phủ ở năm tài chính kết thúc vào tháng 3-2026.
Cải cách tài chính là một nhiệm vụ cấp bách đối với chính phủ của Thủ tướng Fumio Kishida. Nhưng các nhà phân tích đặt câu hỏi, liệu khoảng 5 nghìn tỷ yên được chi cho việc cắt giảm và thanh toán thuế có thể kích thích chi tiêu của người tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế hay không.
Một số đợt chi tiêu ngân sách bổ sung lớn trong những năm gần đây do ảnh hưởng của đại dịch toàn cầu Covid-19 đã làm trầm trọng thêm tình hình tài chính công vốn đã khó khăn của Nhật Bản.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.