(HNM) - Vở “Hà thành chính khí” của Nhà hát Kịch Hà Nội vừa ra mắt là một bài ca bi tráng về Tổng đốc Hoàng Diệu và quân dân Hà Nội quyết tử bảo vệ thành Hà Nội khi bị thực dân Pháp đánh chiếm. Công trình đặc biệt nhân kỷ niệm 60 năm thành lập Nhà hát Kịch Hà Nội (1959-2019) và hướng tới 1010 năm Thăng Long - Hà Nội được dàn dựng trên sân khấu quay đầu tiên ở miền Bắc này đã đem lại hiệu ứng nghệ thuật và trải nghiệm thú vị.
Là công trình kỷ niệm ý nghĩa nên Nghệ sĩ nhân dân Trung Hiếu, Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội muốn chọn dàn dựng một tác phẩm về đề tài lịch sử, thể hiện rõ khí chất người Hà Nội và hấp dẫn được khán giả trẻ. Có lẽ điều đó đã thôi thúc tác giả Phùng Nguyễn viết kịch bản đầu tay của mình với nhân vật trung tâm là Tổng đốc Hoàng Diệu.
Tác phẩm bắt đầu từ bối cảnh hiện đại, một người con gái Hà Nội ham tìm hiểu lịch sử đi thăm thú những di tích của Thủ đô và có cuộc gặp gỡ tình cờ, như thực như mơ, với một ông lão giỏi đàn đáy. Khi tiếng đàn cất lên, cũng là lúc quá khứ được lật giở dần trước mắt người xem. Những năm cuối thế kỷ XIX, khi thực dân Pháp nhăm nhe đánh chiếm thành Hà Nội, được triều đình giao trấn giữ Hà Ninh, với trung tâm là thành Hà Nội, Tổng đốc Hoàng Diệu đã chỉ đạo binh lính đào hào, đắp thành, chuẩn bị vũ khí, đạn dược để chiến đấu với quân địch.
Bên cạnh đó, Tổng đốc Hoàng Diệu vẫn hết lòng chăm lo cho đời sống của dân chúng. Chứng kiến nạn cướp bóc trên sông ở các chợ rồi người dân bị nhũng nhiễu trong dịp ma chay, cưới hỏi…, ông cùng với Tuần phủ Hà Nội Hoàng Hữu Xứng khắc bia “Lệnh cấm trừ tệ” gắn vào tường phía trong Ô Quan Chưởng và trước nha môn của hai huyện Thọ Xương và Vĩnh Thuận, để ngăn chặn các tệ nạn. Hiện nay, ở Ô Quan Chưởng vẫn còn một phần tấm bia này và đó là di tích quý hiếm thể hiện rõ tấm lòng nhân ái, chính trực, sống và làm việc vì nhân dân của Tổng đốc Hoàng Diệu.
Khi bị địch tấn công, ông đã cùng các tướng sĩ quyết tử bảo vệ thành Hà Nội. Do sự phản trắc của Án sát Tôn Thất Bá, thành Hà Nội thất thủ, Tổng đốc Hoàng Diệu đã tuẫn tiết tại Võ Miếu để thể hiện sự kiên trung, thà chết không chịu khuất phục.
Tác giả Phùng Nguyễn và đạo diễn - Nghệ sĩ nhân dân Trung Hiếu đã khai thác đầy đủ những chi tiết thể hiện tài thao lược, sự uyên thâm và tấm lòng vì nước vì dân của Tổng đốc Hoàng Diệu. Câu chuyện lịch sử được đan xen bằng những chi tiết mềm mại về tình mẫu tử, tình bạn, tình thầy trò, hay cuộc gặp gỡ với người con gái tri âm tri kỷ trong âm nhạc, nên dễ đi vào lòng người.
Vở diễn (được công diễn phục vụ khán giả từ cuối tháng 11-2019) có sự tham gia của hơn 100 nghệ sĩ, diễn viên của Nhà hát Kịch Hà Nội, Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục thể thao Hà Nội, Nhà hát Nghệ thuật xiếc và tạp kỹ Hà Nội, Vũ đoàn Thăng Long… Trong đó, vai Tổng đốc Hoàng Diệu được giao cho nghệ sĩ Tiến Lộc. Nam diễn viên có vóc dáng và đài từ tốt, thể hiện rõ khí chất của vị Tổng đốc toàn tài. Bên cạnh đó, Nghệ sĩ nhân dân Công Lý (vai Tôn Thất Bá) và Nghệ sĩ ưu tú Quang Thắng (vai Henri Riviere - sĩ quan hải quân Pháp) tạo điểm tựa vững chắc cho dàn diễn viên trẻ của nhà hát thăng hoa.
Điều tạo nên hiệu ứng thú vị của vở kịch chính là sân khấu quay vừa được lắp đặt thành công tại Rạp Công Nhân (42 Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm). Nghệ sĩ nhân dân Trung Hiếu chia sẻ: “Sân khấu quay được sử dụng rất nhiều ở nước ngoài để hỗ trợ, nâng cao chất lượng tác phẩm và trải nghiệm cho khán giả. Thật may mắn, ấp ủ lắp đặt một sân khấu hiện đại như thế của chúng tôi được UBND thành phố ủng hộ, với hy vọng tạo nên sự đổi mới, khởi sắc cho sân khấu Thủ đô”.
Những chuyển động xoay tròn linh hoạt, nâng lên, hạ xuống của sân khấu mới đã đem đến góc nhìn đa diện cho khán giả, tương tự trong điện ảnh. Chẳng hạn như cảnh Tổng đốc Hoàng Diệu và ca nương Lê Thị biểu diễn ca trù đầy thăng hoa, hay đại cảnh chiến đấu với sự tấn công của quân địch từ tứ phía (kể cả bên dưới khán đài) khiến khán giả cảm nhận như mình tham gia vào tình huống… Bên cạnh đó, những hiệu ứng từ dàn âm thanh, ánh sáng hiện đại cùng một số kỹ thuật của nghệ thuật xiếc và múa càng làm cho vở diễn sinh động, hấp dẫn khán giả.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.