Xã hội

Hà Nội vượt qua "phép thử" của thiên nhiên

Tiến Thành 09/09/2024 - 20:21

Bão số 3 - cơn bão mạnh nhất trong hàng chục năm trở lại đây đã gây ra những hậu quả nặng nề cho Hà Nội. Thế nhưng, cơn bão cũng là "phép thử" của tình đoàn kết, tinh thần khẩn trương, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, sự chung sức đồng lòng của toàn bộ Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô vượt qua khó khăn, thử thách của "thiên nhiên".

Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài và lãnh đạo thành phố kiểm tra Trạm bơm Khê Tang 2, xã Cự Khê (huyện Thanh Oai). Ảnh: Viết Thành
Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài và lãnh đạo thành phố kiểm tra Trạm bơm Khê Tang 2, xã Cự Khê (huyện Thanh Oai) sau bão số 3. Ảnh: Viết Thành

Chủ động phòng, chống bão với tinh thần, quyết tâm cao nhất

Trước và trong thời điểm bão số 3 đổ bộ vào đất liền, đặc biệt là ảnh hưởng trực tiếp đến địa bàn Thủ đô Hà Nội, toàn thể hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở vào cuộc, thực hiện nghiêm, đầy đủ các nội dung chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Thường trực Thành ủy, UBND thành phố. Trong đó, trọng tâm là bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân, không để thiệt hại về người và bảo vệ, giảm thiểu thiệt hại về tài sản, đặc biệt, chú trọng bảo vệ đê, kiên quyết tập trung không để vỡ đê, hồ đập, những khu vực xung yếu, khu vực có nguy cơ cao về mất an toàn trên địa bàn...

Các quận, huyện, thị xã, sở, ngành chủ động, quyết liệt xây dựng kịch bản, kế hoạch, phương án phòng, chống, ứng phó với cơn bão số 3 theo từng cấp độ để bảo đảm sự chủ động khi có các tình huống xảy ra; không xảy ra tình trạng lơ là, chủ quan tại các địa phương. Các cơ quan, đơn vị phân công lãnh đạo và các lực lượng chức năng ứng trực nghiêm túc 24/24h, kịp thời báo cáo thành phố những vấn đề phát sinh theo thẩm quyền. Các đồng chí lãnh đạo thành phố đã chủ động trực tiếp xuống các đơn vị được phân công phụ trách, cùng cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra công tác phòng, chống lụt, bão trên địa bàn.

Lực lượng chức năng khắc phục hậu quả do bão số 3 gây ra trên đường Lĩnh Nam. Ảnh: PV
Lực lượng chức năng khắc phục hậu quả do bão số 3 gây ra trên đường Lĩnh Nam. Ảnh: PV

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài khẳng định, toàn thành phố đã chủ động phòng, chống bão với tinh thần, quyết tâm cao nhất tại địa bàn trọng điểm, xung yếu. Bí thư Thành ủy yêu cầu, kiên quyết di dời người dân làng chài ở quận Hoàn Kiếm, huyện Gia Lâm, Đan Phượng và các nhà tập thể, nhà chung cư không an toàn trên địa bàn thành phố. Thực hiện chỉ đạo của đồng chí Bí thư Thành ủy, các quận Hoàng Mai, Tây Hồ, Hoàn Kiếm, Ba Đình… đã di dời người dân ở các khu vực ven sông, các nhà tập thể, chung cư cũ… đến nơi an toàn.

Điển hình, ngay trong đêm 6, rạng sáng 7-9, quận Hoàng Mai đã di dời khẩn cấp 48 hộ, với 160 nhân khẩu khỏi chung cư A7 Tân Mai đến Trường Tiểu học Tân Mai. Ngay sau đó, sáng 7-9, Bí thư Quận ủy Hoàng Mai Nguyễn Xuân Linh đã trực tiếp đến thăm, kiểm tra nơi ăn chốn ở và động viên nhân dân. Tiếp đó, trong ngày 7-9, quận Hoàng Mai tiếp tục di dời các hộ ở các phường: Hoàng Liệt, Mai Động, Yên Sở, Hoàng Văn Thụ, Tương Mai, Định Công đến nơi ở an toàn, tránh bão.

Thực hiện chỉ đạo của Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài, quận Hoàng Mai đã di dời các hộ dân ở chung cư A7 Tân Mai đến Trường Tiểu học Tân Mai để tránh bão số 3. Ảnh Phùng Đô
Quận Hoàng Mai đã di dời các hộ dân ở chung cư A7 Tân Mai đến Trường Tiểu học Tân Mai để tránh bão số 3. Ảnh: Phùng Đô

Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai Nguyễn Minh Tâm cho biết, toàn quận đã di dời 98 hộ với 327 nhân khẩu đến nơi tránh trú an toàn và ngay sau khi bão tan, các cơ quan, đoàn thể từ quận đến phường đã thành lập các tổ công tác đi thăm hỏi đối với những gia đình khó khăn bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3. Toàn bộ hệ thống chính trị quận và phường đã vào cuộc kịp thời, triển khai các công việc cần thiết, động viên và hỗ trợ nhân dân khắc phục sự cố, nhất là sự cố về điện và ngập úng để bảo đảm đời sống ổn định cho người dân.

Tại địa bàn có 5 chung cư, nhà tập thể cũ nguy hiểm cấp độ D gồm: C8 Giảng Võ, nhà G6A Thành Công, nhà A Ngọc Khánh, tập thể Bộ Tư pháp, nhà 148-150 Sơn Tây, quận Ba Đình đã chủ động công tác di chuyển người dân trước khi bão số 3 ảnh hưởng trực tiếp đến thành phố.

Chủ tịch UBND phường Thành Công (quận Ba Đình) Ngô Ngọc Lâm cho biết, đã trực tiếp liên hệ, hỗ trợ di chuyển người dân đến khách sạn trên địa bàn để tránh bão, bảo đảm tính mạng và tài sản. Lực lượng chức năng phường cũng lập rào chắn bảo vệ, cảnh báo an toàn, đồng thời, tuần tra, kiểm soát bảo vệ tài sản của các hộ dân.

Ngày 7-9, do ảnh hưởng của bão số 3 (bão Yagi), Hà Nội mưa to kèm gió mạnh ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt thường ngày của người dân.
Ngày 7-9, sau khuyến cáo của Chủ tịch UBND thành phố, đường phố Hà Nội vắng bóng người qua lại.

Trước khi bão đổ bộ vào đất liền, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh cũng đã trực tiếp khuyến cáo người dân thành phố không ra khỏi nhà để tránh rủi ro, thiệt hại về người.

Khi bão số 3 đổ bộ Thủ đô Hà Nội tối 7-9, nhờ triển khai từ sớm, từ xa các phương án phòng, chống bão số 3, sự vào cuộc trách nhiệm hết lòng, hết sức vì dân của lãnh đạo cấp ủy, chính quyền, cán bộ, chiến sĩ công an, quân đội, các lực lượng ứng trực phòng, chống bão số 3 của các cơ quan, đơn vị, địa phương từ thành phố xuống cơ sở đã làm việc không kể ngày đêm, vượt qua mọi khó khăn, kể cả nguy hiểm để hoàn thành nhiệm vụ, thành phố đã giảm thiểu đến mức tối đa thiệt hại về người và tài sản.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh kiểm tra công tác khắc phục hậu quả sau bão số 3 trên địa bàn quận Hoàn Kiếm.
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh kiểm tra công tác khắc phục hậu quả sau bão số 3 trên địa bàn quận Hoàn Kiếm.

Thần tốc khắc phục hậu quả sau bão số 3

Ngay sau khi cơn bão đi qua, mặc dù hậu quả để lại hết sức nặng nề với Thủ đô, thành phố đã ngay lập tức triển khai khắc phục kịp thời các thiệt hại do thiên tai gây ra, phục hồi sản xuất và bảo đảm đời sống nhân dân, không để xảy ra các tình huống bị động, bất ngờ. Thành phố cũng chú trọng đến các địa phương thường xuyên chịu ảnh hưởng của ngập, lụt, lũ rừng ngang như: Chương Mỹ, Quốc Oai, Thạch Thất, Ứng Hòa, Mỹ Đức…

Thị sát cơ sở trong sáng 8-9 khi bão vừa tan, Bí thư Thành ủy Bùi Thị Minh Hoài đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương tiếp tục chủ động bám sát tình hình ở cơ sở; chỉ đạo sát sao, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, triển khai nghiêm túc, chặt chẽ, hiệu quả các phương án phòng, chống bão, lũ; không chủ quan ngay cả khi bão đã đi qua; tập trung khắc phục hậu quả, hỗ trợ những địa bàn, hộ dân bị thiệt hại nặng, nhất là các gia đình, cơ sở bị đổ sập nhà ở, công trình xây dựng; duy trì lực lượng và phương tiện sẵn sàng xử lý các vấn đề phát sinh, đặc biệt là tiêu thoát nước khi xảy ra mưa lớn, bảo đảm an toàn đê điều, hồ đập...

Lực lượng dân quân dùng phương tiện cắt cây trên phố Đội Cấn. Ảnh: Mai Hữu
Lực lượng dân quân dùng phương tiện cắt cây trên phố Đội Cấn. Ảnh: Mai Hữu

“Đối với cây xanh gãy đổ, cây nào cứu được phải hết sức cứu, dựng lại được phải dựng lại để chăm sóc, bất đắc dĩ mới phải cưa bỏ; vì trồng được một cây không dễ và mất rất nhiều thời gian”, đồng chí Bí thư Thành ủy nhấn mạnh.

Trong quá trình kiểm tra thực tế tại cơ sở sau bão, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh chỉ đạo các sở, ngành phối hợp chặt chẽ với các quận, huyện, ưu tiên số một là nhanh chóng khôi phục giao thông. Chủ tịch UBND thành phố cũng yêu cầu ngành điện khẩn trương khắc phục sự cố để phục vụ sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của người dân, trong đó khẩn trương khôi phục mạng lưới điện trung thế để phục vụ bơm tiêu, thoát nước…

Với sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo thành phố, toàn thành phố đang tập trung tổng lực nhân lực, vật lực cho công tác khắc phục cây xanh bị gãy, đổ trên các tuyến phố Hà Nội để bảo đảm an toàn và sinh hoạt bình thường cho người dân. Giao thông công cộng trong thành phố với các tuyến xe buýt, tàu điện trên cao tuyến Cát Linh - Hà Đông được khôi phục sớm; bảo đảm các tuyến phố thông thoáng cho người dân đi lại thuận tiện, an toàn.

Công nhân dùng máy xúc đào đất, trồng lại cây đa đã bị đổ. Ảnh: Minh Phong
Công nhân dùng máy xúc đào đất, trồng lại cây đa đã bị đổ ở xã Cổ Loa. Ảnh: Minh Phong

Đặc biệt, trong nỗ lực giải tỏa, xử lý cây xanh gãy, đổ sau bão, thành phố đã nỗ lực tối đa để lưu giữ, bảo tồn, trồng lại các cây xanh bị gãy, đổ có giá trị cao, có khả năng sinh trưởng. Điển hình, đối với cây đa trước cửa Am thờ Công chúa Mỵ Châu bị đổ gãy do bão, Bí thư Đảng ủy xã Cổ Loa, huyện Đông Anh Nguyễn Thị Lương cho biết, công tác cắt, trồng khôi phục đã được hoàn thành trong sáng 9-9, Ban quản lý di tích Cổ Loa và xã tiếp tục chăm sóc. Đối với số cây khác trong khu di tích và toàn xã Cổ Loa, đến nay, các lực lượng đã hoàn thành cắt cành, tổ chức trồng lại đối với những cây có khả năng sống sót cao, cơ bản các cây đều có thể trồng lại.

Tại khu vực ngoại thành, theo báo cáo của các huyện, mưa lớn do ảnh hưởng của bão số 3 đã làm cho hàng trăm héc ta diện tích lúa, rau màu bị ngập; hàng chục nghìn héc ta lúa và rau màu bị đổ; hàng trăm héc ta cây ăn quả bị ảnh hưởng. Ngay sau khi cơn bão tan, các đơn vị, địa phương khẩn trương xử lý các sự cố về điện, cung cấp điện cho các trạm bơm phục vụ tiêu thoát nước; xử lý, khắc phục diện tích sản xuất nông nghiệp, các tài sản bị hư hỏng do mưa bão gây ra. Bên cạnh đó, nhân dân cùng các lực lượng công an, quân đội đã xuống đồng nhanh chóng dựng lại diện tích lúa bị đổ, phun phân bón lá, chế phẩm vi lượng cho cây nhanh chóng phục hồi; tiêu nước đệm giảm nguy cơ ngập úng khi có mưa lớn.

Không để Thủ đô khan hiếm thực phẩm sau bão, dù việc vận chuyển hàng hóa đến các điểm bán bị chậm hơn thường ngày do cây đổ, song ngay từ sáng 8-9, các điểm bán hàng hóa, lương thực, thực phẩm thiết yếu đã cơ bản mở cửa bình thường, bảo đảm hàng hóa phục vụ người dân.

Các trường học tập trung khắc phục hậu quả của bão số 3, sẵn sàng đón học sinh đi học từ ngày mai, 9-9. Ảnh: CTV
Các trường học tập trung khắc phục hậu quả của bão số 3, sẵn sàng đón học sinh đi học từ ngày 9-9. Ảnh: CTV

Đối với ngành Giáo dục, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương cho biết, Sở đã chỉ đạo các phòng giáo dục và đào tạo quận, huyện, thị xã, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, các trường học trực thuộc khẩn trương rà soát, khắc phục hậu quả của cơn bão số 3 để sẵn sàng đón học sinh trở lại trường học. Ngay sau bão, dù đường phố còn ngổn ngang, hàng nghìn thầy, cô giáo Thủ đô đã chủ động và khẩn trương đến trường tổ chức dọn vệ sinh trường lớp, khắc phục hậu quả của bão và có biện pháp phòng, ngừa dịch bệnh, bảo đảm các điều kiện an toàn để sáng 9-9, đa số trường học trên địa bàn thành phố đón học sinh trở lại trường tiếp tục học tập.

Hà Nội cơ bản đã vượt qua "phép thử" của thiên nhiên và những bài học kinh nghiệm cần được đúc kết, phát huy trong mọi tình huống thiên tai, thảm họa. Thủ đô đang trên bước đường phát triển văn minh, hiện đại, sẽ còn nhiều thử thách lớn hơn, khó khăn hơn, nhưng với sự chung sức, đồng lòng, quyết tâm, Hà Nội sẽ vẫn vững vàng vượt qua để ngày càng phát triển bền vững, xứng đáng là trái tim của cả nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội vượt qua "phép thử" của thiên nhiên

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.