LTS: Năm 2020 là năm khó khăn bất thường bởi dịch Covid-19, ảnh hưởng lớn đến thu ngân sách. Tuy nhiên, với nỗ lực không ngừng cùng nhiều giải pháp đồng bộ, Hà Nội ước thu ngân sách đạt 279.359 tỷ đồng, bằng 100,2% dự toán, tăng 3,1% so với năm 2019. Năm 2020 - năm nỗ lực vượt khó, hoàn thành chỉ tiêu thu ngân sách đã cho nhiều bài học kinh nghiệm quý và có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô giai đoạn tiếp theo.
(HNM) - Năm 2020, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu của doanh nghiệp, từ đó tác động không nhỏ đến nguồn thu ngân sách. Trong khó khăn, thành phố đã có những chỉ đạo, điều hành linh hoạt, quyết liệt để bảo đảm thu ngân sách ở mức cao nhất.
Sản xuất, kinh doanh bị ảnh hưởng
Vào thời điểm tháng 3-2020, Hà Nội ghi nhận ca mắc Covid-19 đầu tiên. Với diễn biến phức tạp của dịch bệnh, cả nước thực hiện giãn cách xã hội vào tháng 4-2020. Hầu hết các hoạt động dịch vụ không thiết yếu phải đóng cửa, hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền đánh giá, sản xuất, kinh doanh của thành phố bị ảnh hưởng mạnh bởi dịch Covid-19. Đặc biệt, lượng khách du lịch quốc tế, doanh thu hoạt động khách sạn, dịch vụ liên quan đến du lịch giảm mạnh. Từ thời điểm tháng 3-2020, khi dịch Covid-19 bùng phát trên thế giới, nguồn cung nguyên liệu cho sản xuất trong nước cũng như hầu hết thị trường xuất khẩu lớn đều bị đứt gãy, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp.
Chuyên gia kinh tế, tiến sĩ Nguyễn Minh Phong cũng cho rằng, năm 2020 là một năm rất khó khăn với Thủ đô cũng như cả nước, bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19. “Đứt gãy nguồn cung khiến nhiều doanh nghiệp thiếu hụt nguyên liệu đầu vào. Thị trường tiêu thụ trong nước bị thu hẹp. Tỷ lệ doanh nghiệp mất thị trường xuất khẩu khá cao. Tình trạng trên đã làm suy giảm cả tổng cung và tổng cầu; tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa (GRDP) và nhiều chỉ số kinh tế vĩ mô khác thấp nhất trong 5-10 năm qua”, ông Nguyễn Minh Phong nhận xét.
Theo số liệu từ Cục Thống kê Hà Nội, các chỉ số sản xuất tiêu dùng, xuất, nhập khẩu tháng 4 và 5-2020 đều giảm sâu so với cùng kỳ năm 2019. Từ tháng 6-2020, tình hình sản xuất khởi sắc nhờ dịch bệnh được kiểm soát, tuy nhiên mức tăng đều thấp hơn cùng kỳ nhiều năm trước. Trong đó, tốc độ tăng GRDP 6 tháng năm 2020 đạt 3,39%, 9 tháng đạt 3,27% và cả năm 2020 dự kiến đạt 3,98%, trong khi mức tăng bình quân 5 năm qua khoảng 7-8%.
Trước diễn biến trên, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn dự báo bị ảnh hưởng nghiêm trọng, có thể hụt thu hàng nghìn tỷ đồng so với dự toán khi số doanh nghiệp tạm ngừng sản xuất, kinh doanh tăng hơn 10% trong giai đoạn tháng 5 và 6-2020.
Chỉ đạo sát sao, điều hành quyết liệt
Với mục tiêu nỗ lực thu ngân sách ở mức cao nhất, ngày 1-6-2020, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Chỉ thị số 09/CT-UBND về việc triển khai một số nhiệm vụ tài chính - ngân sách trong điều kiện ảnh hưởng của dịch Covid-19. UBND thành phố yêu cầu Cục Thuế, Cục Hải quan phối hợp với các sở, ngành, địa phương triển khai quyết liệt, đồng bộ kế hoạch cải cách hành chính, phấn đấu thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước ở mức cao nhất. Chỉ thị cũng yêu cầu phát huy hết dư địa các khoản thu, tăng cường khai thác nguồn thu ngân sách, nhất là các khoản thu từ đất; thực hiện tốt các giải pháp tháo gỡ khó khăn để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh; khai thác các nguồn thu khác để bù đắp hụt thu ngân sách nhà nước...
UBND thành phố Hà Nội còn yêu cầu Cục Thuế Hà Nội, ngoài nhiệm vụ thu, cần xây dựng chiến lược nuôi dưỡng nguồn thu; tiếp tục cắt giảm thủ tục hành chính, tạo mọi điều kiện cho người nộp thuế kê khai, nộp thuế nhanh nhất; tăng cường thu từ thương mại điện tử, tiền thuê đất, sử dụng đất; đẩy mạnh thu hồi nợ đọng thuế. Theo Cục trưởng Cục Thuế thành phố Hà Nội Mai Sơn, trong bối cảnh doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch Covid-19, việc hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất, kinh doanh là giải pháp quan trọng nhất. Từ đó, ngành Thuế phân loại, doanh nghiệp gặp khó được khoanh, giãn nợ thuế; doanh nghiệp có doanh thu được tạo điều kiện nộp nghĩa vụ thuế nhanh.
Đặc biệt, ngay khi dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, Thành ủy, HĐND, UBND thành phố Hà Nội đã tổ chức “Đối thoại với doanh nghiệp” để lắng nghe kiến nghị và tìm các giải pháp tháo gỡ khó khăn, với "mục tiêu kép" vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa khôi phục sản xuất, kinh doanh và phát triển kinh tế - xã hội. Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, sau hội nghị đối thoại với các doanh nghiệp, thành phố đã cụ thể hóa bằng nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, như tổ chức kích cầu thị trường nội địa, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận cơ hội kinh doanh nhanh nhất…
Tại các cuộc họp giao ban UBND thành phố, nội dung thu ngân sách đều được bàn bạc, thống nhất giải pháp linh hoạt theo tình hình thực tế. Cùng với việc kiện toàn Ban Chỉ đạo đôn đốc thu hồi nợ đọng thuế và nợ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất trên địa bàn thành phố Hà Nội, UBND thành phố lập 6 tổ công tác kiểm tra, đôn đốc thu ngân sách; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2020. Thực tế, việc điều hành sát sao, chỉ đạo quyết liệt của UBND thành phố đã mang lại những kết quả tích cực trong công tác thu ngân sách.
(Còn nữa)
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.